Vì sao tàu Cát Linh - Hà Đông dừng đột ngột không thông báo?

Vào khoảng 10h sáng nay (23/5), khi gần đến ga Cát Linh, tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông phải dừng đột ngột nhưng không thông báo trước, khiến nhiều hành khách hoảng hốt.

 

Tàu Cát Linh – Hà Đông phải dừng đột ngột vào khoảng 10h sáng nay (23/5) (Ảnh nh họa)

Giải thích lý do tàu Cát Linh – Hà Đông phải dừng đột ngột vào khoảng 10h sáng nay (23/5) khi gần đến ga Cát Linh nhưng không thông báo trước, khiến nhiều hành khách hoảng hốt, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho biết, trong quy trình vận hành, với những sự cố diễn ra trong chốc lát thì không phải thông báo trước cho hành khách.

"Bởi vì việc này xử lý rất nhanh, chuyển từ chế độ tự động sang thủ công nhanh lắm, thao tác chỉ mất mấy chục giây. Trong quy trình không có việc phải thông báo vì thời gian bao nhiêu mới phải thông báo. Và cũng đã bổ sung ngay vào quy trình, lần sau nếu có hiện tượng ấy thì đề nghị lái tàu thông báo “tàu tạm dừng trong chốc lát để xử lý nghiệp vụ và chúng tôi sẽ quay lại phục vụ quý khách ngay lập tức, mong quý khách thông cảm”, ông Vũ Hồng Trường cho biết, 

Ông Vũ Hồng Trường giải thích thêm: trong điều kiện thời tiết bình thường, tàu metro Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành chế độ lái tự động. Tuy nhiên, khi gặp trời mưa, đường ray trơn sẽ khiến hệ thống tự động “dừng đỗ không đúng ga” nên phải chuyển sang chế độ lái thủ công.

Trước đó, khoảng 18h30 chiều tối ngày 7/12/2021, tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông xảy ra sự cố bất ngờ về tín hiệu khiến các đoàn tàu không thể hoạt động tại ga Cát Linh trong hơn 30 phút.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết đây chỉ là phương án diễn tập để ứng phó với sự cố bất ngờ về tín hiệu của đoàn tàu có thể xảy ra với metro Cát Linh - Hà Đông, nằm trong số 63 tình huống mà tư vấn đánh giá độc lập về an toàn ACT đã đưa ra khuyến cáo trong giai đoạn khai thác vận hành.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã chính thức ký kết bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước.