Vì sao người Mỹ thờ ơ với ô tô điện

Mỹ, quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển, quê hương của hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla, nhưng nhiều người dân lại không mấy mặn mà với phương tiện giao thông xanh này.

Kết quả khảo sát gây bất ngờ, được Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago, Mỹ công bố mới đây, cho thấy, có tới gần 50% người Mỹ trưởng thành khẳng định, họ không có khả năng mua xe điện làm phương tiện tiếp theo. Trong khi chỉ 19% số người được hỏi cho hay ‘rất có khả năng’ sẽ mua xe điện trong tương lai.

Một chiếc xe điện đang sạc trên đường phố ở New York - Ảnh Reuters

Cũng theo cuộc thăm dò, gần 80% công chúng, cả ở khu vực nông thôn lẫn thành thị, cho biết, việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc là lý do chính khiến họ còn băn khoăn khi có ý định mua xe điện.

Bà Jennifer Benz, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng, Đại học Bắc Carolina chia sẻ: “Mặc dù nhiều người quan tâm đến việc mua một chiếc xe điện, nhưng chi phí trả trước cao, cùng lo ngại về cơ sở hạ tầng trạm sạc là những rào cản khiến họ còn băn khoăn. Do đó, các chính sách làm giảm bớt những lo lắng này sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng, hỗ trợ tương lai cho xe điện”.

Thực tế thời gian qua, chính phủ Mỹ đưa ra không ít chương trình thúc đẩy thị trường xe điện trong nước, trong đó Đạo luật chống lạm phát có các khoản hỗ trợ khá hào phóng dành cho người mua ô tô điện. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô cũng trang bị hàng loạt dây chuyền công nghệ để giới thiệu các mẫu xe điện mới ra thị trường.

Đón đầu xu thế này, một số bang như California đã thông qua kế hoạch cấm bán xe xăng vào năm 2035, trong khi Tổng thống Joe Biden thậm chí còn kỳ vọng xe điện có thể chiếm 67% doanh số bán xe mới tại Mỹ vào năm 2032.

Trong một chia sẻ về xe điện, Tổng thống Biden nhận định: “Vận hành trên một mạng lưới năng lượng sạch hơn, xe điện chính là công nghệ của tương lai”.

Trong một tuyên bố hồi tháng 2 vừa qua, Nhà Trắng cho biết, họ muốn thấy ít nhất 500.000 trạm sạc, phủ dọc trên khắp các con đường tại Mỹ vào cuối thập kỷ này. Cùng với đó là cam kết từ các công ty xây dựng, vận hành mạng lưới sạc như Tesla,  General Motors, Ford hay ChargePoint.

Chia sẻ với chính phủ Mỹ, bà Mary Barra, Giám đốc điều hành General Motors bày tỏ: “Chúng ta càng mang xe điện đến với người tiêu dùng sớm ngày nào, môi trường sẽ càng có lợi hơn ngày đó”.

Tuy nhiên, giấc mơ xe điện thống trị thị trường và đẩy ô tô động cơ đốt trong vào dĩ vãng của chính phủ Mỹ hiện gặp không ít chông gai.

Báo cáo gần đây từ Hiệp hội Bảo vệ môi trường (EPA) cho thấy, thực tế tàn khốc hơn nhiều so với kỳ vọng và văn hóa hơn 120 năm lái xe xăng của người dân Mỹ không dễ thay đổi ‘trong một sớm một chiều’.

Theo dự đoán của EPA, doanh số bán xe điện vào năm 2030 cao nhất cũng chỉ đạt 15% tổng số ô tô bán mới, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 67% vào năm 2032 của Tổng thống Joe Biden. Năm ngoái, số lượng xe điện bán ra tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 6%.

Theo các chuyên gia các nhà sản xuất cần nâng phạm vi hoạt động của xe điện lên thêm 50% cho mỗi lần sạc đầy ắc quy - Ảnh nh họa Bloomberg News

Theo các chuyên gia, doanh số bán xe điện thấp một phần nguyên nhân bởi hiệu năng của chúng còn kém hơn khá nhiều so với xe xăng. Đơn cử, dòng xe Model Y của Tesla có giá 65.000 USD cho phạm vi hoạt động hơn 500km mỗi lần sạc. Nhưng nếu so với mẫu Mercedes GLC hay BMW X3 giá 44.000 USD thì mỗi lần đổ xăng có thể đi xa hơn 30% so với Model Y.

Do đó, các chuyên gia nhận định, nếu muốn ô tô điện cạnh tranh sòng phẳng được với xe xăng, các nhà sản xuất sẽ phải giám giá ít nhất 10.000-15.000 USD, đồng thời nâng phạm vi hoạt động của xe điện lên thêm 50% cho mỗi lần sạc đầy ắc quy.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, việc mua một chiếc xe điện cũng là khoản đầu tư khá lớn đối với một hộ gia đình Mỹ. Khảo sát cho thấy, 49% người dân ủng hộ chính phủ liên bang cung cấp các khoản vay, giảm giá tiền mặt hoặc ưu đãi tài chính để hỗ trợ chi phí mua và sở hữu xe điện.

Ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất ôtô đa quốc gia Stellantis cho rằng, tăng khả năng chi trả của người dân sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường xe điện tại Mỹ: “Chúng tôi hy vọng thời gian tới có thể hỗ trợ khách hàng bằng các khoản trợ cấp, dĩ nhiên điều này phải tuân thủ Đạo luật chống lạm phát của chính phủ. Theo tôi sự hỗ trợ đó là cần thiết để tăng khả năng sở hữu xe điện cho các khách hàng. Ngoài ra chúng tôi cũng đang tập trung nhằm cắt giảm tối đa chi phí sở hữu xe điện”.

Theo khảo sát của Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago, 46% người được hỏi cho biết, muốn chính phủ tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng xe điện mà điển hình là trạm sạc. Tuy nhiên, để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới đi trước ở lĩnh vực này, nước Mỹ sẽ cần nỗ lực hơn rất nhiều.

Bởi thống kê cho thấy, số lượng trạm tại Mỹ đang kém xa các quốc gia khác. Cụ thể, trong khi Trung Quốc có 1,2 triệu điểm sạc, châu Âu có 400.000 điểm thì Mỹ hiện chỉ có khoảng 140.000 điểm sạc.

Theo Cơ quan Thương mại Quốc tế, thị trường xe điện Việt Nam dù đang ở giai đoạn sơ khai nhưng có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Năm 2020, tỉ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam là gần 6%, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 9% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhu cầu tăng nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng 10,5%.

Cơ quan Thương mại Quốc tế cũng đánh giá Việt Nam có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đặc biệt quan tâm đến các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và nhận thức về môi trường. Đây là những cơ hội để thị trường xe điện tăng trưởng với tốc độ hai con số trong những năm tới. Mặt khác, thị trường xe điện ở Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn, dù vậy vẫn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ và rõ ràng hơn về chính sách, ưu đãi thuế, trợ giá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật để phát triển.