Vì sao Mỹ đề xuất cấm xe thông minh sử dụng công nghệ Trung Quốc và Nga

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đề xuất cấm bán hoặc nhập khẩu các loại ô tô thông minh sử dụng công nghệ của Trung Quốc và Nga vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden, bày tỏ quan ngại về việc các nhà sản xuất xe nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, có thể thu thập dữ liệu về tài xế và cơ sở hạ tầng nước Mỹ cũng như khả năng can thiệp từ xa đối với các phương tiện lưu thông trên đường phố nước này.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, cuộc điều tra của chính phủ, bắt đầu từ tháng 2 năm nay, phát hiện ra hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia tới từ phần mềm cũng như phần cứng của Trung Quốc và Nga trên các phương tiện giao thông tại Mỹ. Chúng bao gồm nguy cơ phá hoại từ xa bằng tin tặc, can thiệp hệ thống điều hướng, thu thập dữ liệu cơ sở hạ tầng và cá nhân người lái xe.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo - Ảnh Reuters

Phóng viên tờ Firstpost America thông tin: “Những sản phẩm nhập khẩu này cho phép ô tô thông nh sử dụng Bluetooth và Internet để kết nối với thế giới bên ngoài và các hệ thống không người lái. Chính phủ Mỹ cho rằng, việc sử dụng công nghệ do Trung Quốc và Nga sản xuất trên đường phố nước Mỹ sẽ gây ra rủi ro an ninh quốc gia hoặc có thể dẫn đến những hành động phá hoại từ xa”

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, rủi ro tới từ phần mềm hoặc phần cứng của Trung Quốc và Nga trong các phương tiện kết nối là ‘rất đáng kể’. Phản ứng của chính phủ Mỹ không phải động thái bảo hộ mậu dịch hay thu lợi ích kinh tế như chỉ trích của Trung Quốc mà hoàn toàn chỉ vì vấn đề an ninh quốc gia.

Theo bà Raimondo, về lý thuyết, các thế lực nước ngoài có thể vô hiệu hóa hàng triệu ô tô đang lưu thông cùng một lúc, chiếm quyền kiểm soát tất cả các phương tiện, gây tai nạn hoặc phong tỏa đường phố: “Ô tô ngày nay có camera, crophone, định vị GPS và hàng loạt công nghệ kết nối internet. Không cần nhiều trí tưởng tượng cũng có thể hiểu, các đối tượng nước ngoài có thể truy cập vào những thông tin này rồi gây ra rủi ro nghiêm trọng như thế nào đối với an ninh quốc gia nước Mỹ và quyền riêng tư của công dân Mỹ. Để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia, Bộ Thương mại đang thực hiện các bước đi chủ động, có mục đích nhằm ngăn chặn Trung Quốc và công nghệ do Nga sản xuất tác động tới những con đường tại Mỹ”.

Đề xuất cấm bán, nhập khẩu phần mềm từ Trung Quốc và Nga dự kiến có hiệu lực vào năm 2027, trong khi phần cứng sẽ được áp dụng bắt đầu vào năm 2029 hoặc 2030.

Bộ Thương mại Mỹ đang cho công chúng 30 ngày để đưa ra ý kiến, sau đó sẽ hoàn thiện đề xuất vào tháng 1/2025. Các quy định mới sẽ áp dụng cho tất cả phương tiện lưu thông trên đường, trừ xe phục vụ nông nghiệp, khai thác mỏ cũng như xe đã cài đặt phần mềm Trung Quốc đang hoạt động. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng bị ngăn cản thử nghiệm xe tự lái trên đường phố nước Mỹ.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận định: “Khi được kết nối internet, các phương tiện mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gây rủi ro về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng. Phần cứng và phần mềm từ Trung Quốc hay các quốc gia khác đều tác hại rõ ràng như nhau. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các bước cần thiết để giảm thiểu những rủi ro này và giải quyết triệt để vấn đề”.

Một lô xe ô tô chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Taicang, Trung Quốc - Ảnh Getty

Theo tờ Financial Times, động thái mới của Washington là sự leo thang đáng kể trong việc kiểm soát, hạn chế đối với các phương tiện, phần mềm và linh kiện Trung Quốc.

Tháng 9 vừa qua, Mỹ cũng áp tăng thuế mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm đánh thuế 100% đối với xe điện, tăng thuế pin EV và nhiều khoáng sản quan trọng khác.

Ông Ben Bergman, chuyên gia phân tích thị trường từ tờ Business Insider nhìn nhận: “Theo tôi đề xuất này sẽ chưa tác động nhiều và ngay lập tức đến thị trường ô tô tại Mỹ. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Mỹ đương nhiên ủng hộ đề xuất. Trong khi Trung Quốc sẽ không vui vẻ về điều đó. Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng từng có những lo ngại về dữ liệu do xe Tesla thu thập sau đó đã cấm những xe này được đi vào khu phức hợp của họ”.

Trong một tuyên bố, ông Lin Jian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc phản đối việc Mỹ “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và hành động phân biệt đối xử với các công ty và sản phẩm Trung Quốc”.

Nước này kêu gọi Mỹ “tôn trọng các nguyên tắc thị trường và cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng, nh bạch và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc". Được biết, hiện số lượng ô tô hoặc xe tải hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào Mỹ là không nhiều, song Bộ Thương mại Mỹ khẳng định, cần hành động trước khi các nhà sản xuất ô tô và linh kiện liên quan đến Trung Quốc hoặc Nga trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo lấy châu Âu như ‘một câu chuyện cảnh giác’, nơi ô tô giá rẻ Trung Quốc đang nhanh chóng tràn ngập thị trường.