Vì sao chưa nên tăng thuế giá trị gia tăng?

VOVGT-Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng VAT vào thời điểm sắp tới là chưa hợp lý vì sẽ thêm gánh nặng cho người dân và tác động tiêu cực cho thị trường.

Ảnh nh họa

Theo chị Nguyễn Thị Hà An ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh thì  hiện nay, người dân chưa hết lo vì đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu thì lại tiếp tục lo vì đề nghị tăng VAT. Thuế này liên quan đến nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nên tăng mức thu đồng nghĩa với người tiêu dùng phải mua hàng hóa đắt đỏ hơn, cuộc sống thêm khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hà An nói:  

“Cái này hơi bị bất ngờ đó vì ngoài thuế VAT thì vừa qua đã đề nghị thuế bảo vệ môi trường nữa. Tất cả thuế đó đều tác động lên người dân, trong khi thu nhập của người dân để chịu thuế này đã khá cao rồi mà bây giờ tăng thuế nữa người dân không thể gồng gánh nổi”.

 

Theo nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, tăng VAT sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, sức mua giảm, từ đó tác động đến nhiều ngành nghề và việc làm, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, mức thu VAT chiếm gần 25- 30% trong cơ cấu các nguồn thu của cả nước là cao. Nếu so mức VAT của  Việt  Nam đang thấp hơn các nước phát triển thì sẽ không hợp lý.  Vì ở các nước phát triển, thu nhập người dân cao hơn rất nhiều và phúc lợi xã hội tốt hơn. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:             

“Khi tăng VAT thì đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng thêm thì doanh nghiệp tốn khoản chi phí đầu vào lớn. Khi doanh nghiệp bán hàng thì mới được trừ VAT, phải chịu áp lực thuế đầu vào thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi”.

 

Theo một số chuyên gia kinh tế và nguyên cán bộ thuế của thành phố thì việc đề nghị tăng VAT của Bộ Tài chính là đột ngột. Bộ này chưa nghiên cứu kỹ về tác động của nó đối với kinh tế, xã hội nên chưa tạo sự đồng thuận cao của người dân. Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011- 2020 của Chính phủ cũng chưa đề cập việc tăng VAT.  Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu ngân sách nhà nước cũng không đưa ra mục tiêu tăng thuế suất VAT.  Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch kinh tế, tài chính quốc gia 2016-2020 cũng chỉ nói điều chỉnh giải pháp thu, mở rộng cơ sở thu, chứ không nói tăng thuế này. Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng Phòng Thuế thu nhập cá nhân,  Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: 

“Theo tôi chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nói rõ làm thuế nào mở rộng cơ sở thu thuế và  quản lý thu hợp lý,  hiệu quả nghiên cứu những nguồn thu mới như chuyển giá, chuyển nhượng và sáp nhập, nhượng quyền thương mại, ngành kinh tế chia sẻ, Uber, Grab…”.

 

Trước khó khăn về ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính nên nghiên cứu những nguồn thu chưa hiệu quả để tăng cường, chứ không nên tăng VAT trong thời gian sắp tới để tránh tận thu, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.