Vài giây đếm ngược, có phải là nguyên nhân thiếu ý thức?

Những ngày qua, trên khắp các mặt báo và diễn đàn mạng xã hội đăng tải thông tin và bàn luận về việc ngành chức năng sẽ loại bỏ đếm ngược ở các giao lộ có lắp tín hiệu đèn giao thông, mục đích là để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông…

Khi ngồi viết những dòng này, tác giả cũng vừa thoát khỏi một vụ tai nạn, mà nếu nó xảy ra, chắc chắn sẽ có những title báo với những cụm từ mạnh như “kinh hoàng”, “xe điên” hay đại loại như vậy.

Chuyện là trên đường đi làm, người viết bài điều khiển xe máy đi khá chậm ở làn đường trong cùng trên con đường Minh Khai mới mở rộng với 8 làn xe hỗn hợp. Lúc này là đầu giờ sáng, đúng vào giờ cao điểm nên lượng phương tiện trên con đường này, như mọi ngày đều khá đông đúc và chật chội. Với tình trạng giao thông như vậy và tốc độ di chuyển của bản thân, trong suy nghĩ, thường là đã khá an toàn.

Thế rồi chỉ nghe thấy tiếng gió quạt mạnh bên trái chưa kịp định thần đã thấy một chiếc xe 7 chỗ phóng vèo qua, vọt lên phía trước, lách vào bên phải một hàng dài ô tô đang chầm chậm chuẩn bị dừng vì tín hiệu đếm ngược đèn giao thông đang chuẩn bị về số 0. Những chiếc xe máy cùng làn với tác giả cũng loạng choạng giật mình, có người lao hẳn lên vỉa hè để tránh chiếc xe ô tô đang lao nhanh kia.

Anh ta (chị ta) có lẽ gấp gáp phóng nhanh, để vượt qua ngã tư khi nhìn thấy còn vài giây tín hiệu. Bởi nếu dừng lại, tuân thủ đèn giao thông, phải chờ tới khoảng gần 100 giây đồng hồ, hơn một phút mới tiếp tục được di chuyển.

Không biết ai là người đi đúng tín hiệu đèn giao thông?

Hằng ngày, tham gia giao thông, chúng ta vẫn thường chứng kiến việc vượt đèn đỏ của những người điều khiển xe máy, đôi khi là cả ô tô. Bất chấp các phương tiện khác đi đúng luật, đúng tín hiệu, họ vẫn lạng lách để vượt lên, buộc những người đi đúng đường phải đi chậm hoặc dừng lại nhường đường, nếu không muốn xảy ra tai nạn.

Câu chuyện vượt đèn đỏ càng phổ biến, bất chấp là ngã tư ấy có đèn đếm ngược hay không, nếu vào ngày thời tiết không thuận lợi, mưa to gió lớn. Bất chấp tất cả, rất nhiều người sẽ vượt đèn đỏ, và chuyện gì xảy ra thì có lẽ tất cả chúng ta, khi tham gia giao thông, cũng phải lần phải chịu trận.

Đó là cảnh tắc đường, giao thông hỗn loạn, một phần cũng chỉ vì những con người ấy, họ sẵn sàng vì sự thuận lợi của bản thân, vi phạm luật giao thông, để được đi trước người khác, thậm chí là đứng chờ tín hiệu trên người khác một vài chục centimet.

Hoặc có những người, đứng chờ đèn đỏ ở… giữa ngã tư. Mặc cho các phương tiện khác phải khổ sở tránh né…

Bỏ đèn tín hiệu đếm ngược, liệu có giải quyết được vấn đề ý thức tham gia giao thông của nhiều người?

Còn nhớ cách đây nhiều năm, khi chúng ta bắt đầu mở cửa, những tập đoàn nước ngoài ồ ạt đổ vào xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp ở khắp nơi. Người bản địa được thuê làm công nhân làm việc cho những khu công nghiệp ấy. Vốn chúng ta không quen với tác phong làm việc kiểu công nghiệp, cộng thêm tính thiếu tuân thủ kỷ luật. Vậy là sau một thời gian, mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và công nhân nổ ra.

Đỉnh điểm có những vụ việc xô xát giữa hai bên, khiến các cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức vất vả để giải quyết. Người viết bài cũng đã hơn một lần chứng kiến những cuộc bãi công, biểu tình của công nhân vì tình trạng đối xử không tốt của chủ doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng nguyên nhân gốc rễ, như đã nói, đó là chúng ta không bắt kịp được với sự phát triển của thế giới.

Nhất định phải đứng giữa ngã tư để chờ đèn xanh để đi trước

Quay trở lại câu chuyện vài giây đếm ngược. Người ta cho rằng, bỏ tín hiệu đếm ngược để nâng cao tính tự giác, tuân thủ luật giao thông của mọi người. Có lẽ cũng đúng. Nhưng liệu đó có phải là giải pháp triệt để xử lý vấn nạn xã hội nhức nhối này? Hay chỉ là câu chuyện quen thuộc trong rất nhiều vấn đề hiện nay của chúng ta, đó là giải quyết cái vỏ, bề nổi, mà không có biện pháp từ gốc rễ vấn đề.

Liệu có phải vì vài giây đếm ngược mà người ta sẽ thay đổi ý thức giao thông? Hay lại càng làm tình trạng giao thông vốn tồi tệ ở ta, trở nên phức tạp hơn?

Vấn đề của chúng ta là con người, là giáo dục, là văn hóa giao thông, những thứ chúng ta đang yếu kém trầm trọng, chứ không phải là cái đèn đếm ngược vô tri kia.

Tính kỷ luật, tuân thủ của hầu hết người Việt đã trở thành một thứ “đặc trưng” trong tính cách.

Cảnh chờ tín hiệu đèn giao thông thường thấy ở các ngã tư, ai cũng cố chen lên đứng trước người khác

Có lẽ, nếu muốn thay đổi văn hóa giao thông, tính tự giác chấp hành luật giao thông nói riêng và các quy định xã hội khác, chúng ta phải thay đổi ngay từ cách giáo dục con trẻ. Để từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã quen với kỷ luật, với việc chấp hành luật pháp. Có như vậy mới thay đổi được hành xử của mỗi người khi ra ngoài xã hội.

Đẽo cày giữa đường, chưa bao giờ là giải pháp cho những vấn đề của chúng ta.