Một chiếc xe buýt không có tài xế, mà tự vận hành trên một tuyến đường 22,5 km đã lăn bánh vào ngày 15/5 vừa qua. Đây là chiếc xe buýt tự lái đầu tiên tại Scotland, kết quả sau đợt chạy thử thành công hồi tháng 1 năm nay.
Tổng cộng 5 chiếc xe buýt một tầng sẽ chạy thường xuyên, các xe này được trang bị cảm biến và di chuyển trên lộ trình được vạch sẵn với tốc độ 80km/h. Các nhà khai thác dịch vụ cho biết họ đặt mục tiêu chuyên chở 10.000 hành khách mỗi tuần. Một vé người lớn tiêu chuẩn có giá £ 7,20, tương đương khoảng 210.000 VNĐ.
Ông Peter Stevens, Giám đốc chính sách của Stagecoach, hãng xe buýt, xe chở khách lớn nhất nước Anh đồng thời là đơn vị vận hành tuyến xe bus tự lái ở Scotland, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy 3 lợi ích quan trọng. Đầu tiên là vấn đề an toàn. Chúng tôi tin rằng xe buýt này an toàn hơn. Thứ hai là tiết kiệm nhiên liệu hơn, tiết kiệm khoảng 20% so với xe buýt thông thường. Điều này rất tốt cho môi trường. Cuối cùng là mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng”.
Hiện ô tô tự lái hoàn toàn chưa được cấp phép dù Chính phủ Anh đang sửa đổi khung pháp lý và bảo hiểm, do đó vẫn phải có mặt tài xế đề phòng xảy ra sự cố.
Trên mỗi xe có 2 nhân viên vận hành, gấp đôi số lượng nhân viên cần thiết trên một xe bus thông thường. Một người sẽ ngồi tại ghế lái để giám sát công nghệ vận hành chứ không can thiệp vào hệ thống điều khiển khi xe đang ở chế độ tự động và một nhân viên hỗ trợ hành khách lên xe, mua vé cũng như sẵn sàng giải đáp thắc mắc của hành khách.
Tại một cuộc thử nghiệm trước khi chính thức đi vào vận hành, tài xế vẫn lái xe như bình thường, cho đến khi một tiếng “đinh” vang lên, cảnh báo cho hành khách rằng tài xế có tên Steven Matthew đã bật chế độ lái tự động.
Lúc này, anh Matthew để hai tay lơ lửng trên vô lăng, vẫn trong tư thế sẵn sàng giành quyền điều khiển xe buýt từ máy tính trong trường hợp xảy ra sự cố.
Tài xế Steven Matthew, hiện đang đóng vai trò giám sát viên trên xe buýt tự lái, chia sẻ: “Tôi nghĩ công nghệ này thật tuyệt vời. Nó đi đúng làn, phanh khi cảm nhận được các phương tiện giao thông khác. Điều duy nhất bạn có thể phải lo lắng là không biết những người lái xe khác sẽ làm gì.”
Ngay cả khi Matthew hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ thì sự hiện diện của anh sau tay lái cũng mang lại cảm giác yên tâm.
Các chuyên gia cho biết, chiếc xe buýt này có thể cần một Matthew không phải để bảo vệ con người khỏi những sai sót trong công nghệ mà để hỗ trợ công nghệ chống lại những sai sót của người lái xe và người đi bộ khác.
Ram Murthy, 48 tuổi, giáo sư Tin học tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Rào cản lớn nhất với xe tự lái là giao tiếp với con người, đặc biệt là trong môi trường đô thị, nơi mọi người tự đưa ra quyết định và thêm bớt các quy tắc khi di chuyển trên đường. Nếu các con đường chỉ có xe tự hành, thì công nghệ này sẽ hoạt động gần như hoàn hảo, và các vụ tai nạn và tử vong do xe cơ giới sẽ giảm mạnh”.
Đại diện Stagecoach cũng cho biết chưa có kế hoạch để phương tiện tự hoạt động mà không cần nhân viên giám sát ngồi ở ghế lái; bởi trước mắt là giai đoạn thử nghiệm để kiểm tra khả năng vận hành của công nghệ.
Ông Peter Stevens, Giám đốc chính sách của Stagecoach, cho biết công nghệ tự lái đã trải qua quá trình thử nghiệm trước đó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những chiếc xe buýt không người lái này được đưa vào mạng lưới xe buýt địa phương: “Sau khi dịch vụ xe buýt tự lái đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ thu thập thêm dữ liệu để dịch vụ này trở nên đáng tin cậy hơn và sau đó tăng số lượng chuyến đi”.
Mỗi xe buýt có 20 cảm biến, camera và hệ thống radar, cùng với hệ thống định vị toàn cầu liên kết với vệ tinh. Hệ thống điều khiển trên xe buýt tự lái được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận thông tin từ các thiết bị được lắp đặt trên khắp xe ô tô để phát hiện những phương tiện giao thông khác nhằm tránh va chạm, trong khi các radar và camera quang học sẽ quét hình ảnh đường phố, từ đó xác định vị trí chính xác và tính toán đường an toàn nhất.
Nhờ những công nghệ hiện đại đó, mẫu xe buýt tự lái này có thể thực hiện các thao tác giao thông phức tạp tại bùng binh, vòng xuyến, đèn giao thông và len lỏi giữa các làn đường cao tốc.
Mặc dù vậy, với người dân, dịch vụ này cũng còn khá mới mẻ và e dè khi lựa chọn sử dụng:
“Tôi không biết nữa nhưng tôi thấy trên các bộ phim. Các con robot hoạt động rồi kiểu gì cũng có chuyện gì đó xảy ra”.
“Tôi không háo hức lắm. Không hẳn là tôi cảm thấy sợ đâu nhưng việc đặt tính mạng của mình vào một cỗ máy. Tất nhiên lỗi do con người gây ra vẫn rất nhiều”.
Tuy nhiên, với giới quan chức, dự án này xe buýt không người lái này nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Scotland Kevin Stewart cho rằng đây là dự án đầy tham vọng và sáng tạo có thể giúp tăng độ nhận diện của Scotland trên trường quốc tế.
Còn Chính phủ Anh ca ngợi đây là dịch vụ xe bus công cộng cỡ lớn tự lái đầu tiên trên thế giới.
Giới chức kỳ vọng xe bus tự lái sẽ mang đến trải nghiệm tham gia giao thông thuận tiện hơn, an toàn hơn; bởi 88% những vụ va chạm giao thông tại Anh hiện nay do sai sót từ con người.
Đồng thời, dự án cũng hướng tới giao thông bền vững khi khuyến khích ngày càng nhiều người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Các công ty và cơ quan chính phủ đứng sau dự án hy vọng việc áp dụng rộng rãi hơn có thể thúc đẩy các loại thay đổi về quy định và pháp lý để cuối cùng có thể tạo ra một tuyến xe buýt “không người lái” thực sự.
Trên thế giới, một số thành phố khác trên thế giới cũng chuẩn bị đưa xe buýt tự lái đi vào vận hành.
Dự kiến, năm 2025, 45 xe nibus điện tự lái sẽ đi vào vận hành trong chương trình thử nghiệm kéo dài 1 năm tại Geneva, Thụy Sĩ; Kronach, Đức và Oslo, Na Uy.
Hàn Quốc cũng vừa thử nghiệm xe buýt không người lái nhằm giúp mọi người làm quen với xe tự hành, trong khi Malaga ở Tây Ban Nha giới thiệu xe buýt điện không người lái. Singapore triển khai thử nghiệm xe buýt tự lái vào đầu năm nay.