Tương tác của bến xe

Việc di chuyển các bến xe khách liên tỉnh ra khỏi khu vực lõi đô thị, ra ngoại vi thành phố là điều cần thiết. Song, nếu chỉ thuần túy di chuyển các bến xe, mà không tính đến các phương án kết nối trung chuyển một cách khoa học, các bến xe sẽ khó hoạt động một cách hiệu quả.

Bến xe Miền Đông mới của TP.HCM được đầu tư 4000 tỷ đồng, là một bến xe khách liên tỉnh hiện đại và quy mô lớn nhất nước. Nhưng sau 2 năm vận hành, lại không được người dân và doanh nghiệp mặn mà, thậm chí gần đây có hiện tượng 300 chuyến xe khách bỏ bến.

Nguyên nhân, được cho là kết nối với trung tâm thành phố chưa thuận tiện cho hành khách.

Đầu tiên, cần phải nh định, các bến xe khách liên tỉnh là đầu mối giao thông của các đô thị. Vì thế, nó cần nằm ở các cửa ngõ thay vì khu vực lõi đô thị.

Và điều cần phải bàn ở câu chuyện này không phải vị trí của bến xe Miền Đông có hợp lý hay không, mà là làm thế nào để nó có thể phát huy hiệu quả tốt nhất. Làm thế nào để các doanh nghiệp vận tải có lợi nhất khi sử dụng bến xe.

Đối với hành khách, việc phải di chuyển quả vất vả, tốn kém từ các vị trí trong trung tâm thành phố, hoặc từ các bến xe khác đến một bến xe, là điều bất hợp lý. Vì thế, các bến xe liên tỉnh, cũng như cảng hàng không, đều cần là một đầu mối giao thông công cộng. Từ đây, hành khách có thể dễ dàng trung chuyển đến các vị trí khác bằng phương tiện công cộng.

Đó cũng là lý do mà ở các thành phố hiện đại, các bến xe liên tỉnh, sân bay luôn là đầu mối của mạng lưới giao thông công cộng, như bus, đường sắt đô thị, taxi…  

Nhiều tuyến xe bỗng dưng “bay màu”, Bến xe Miền Đông mới vắng khách. Ảnh: Thanh niên

Bến xe Miền Đông có bao nhiêu tuyến xe bus đi và đến; có hấp dẫn để thu hút các tài xế taxi? Đây là những câu hỏi mà các nhà quản lý cần có câu trả lời phù hợp với mục đích xây một bến xe phục vụ 7 triệu lượt khách/năm.

Tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên khi hoàn thành sẽ tăng khả năng trung chuyển cho bến xe Miền Đông. Nhưng khi nó vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, việc ưu tiên các tuyến bus, và tăng mức độ hấp dẫn cho taxi cần phải thực hiện.

Nói đến taxi, chúng ta có thể thấy một nghịch lý trong câu chuyện kết nối ở sân bay Tân Sơn Nhất. Con đường từ trung tâm thành phố đến sân bay luôn ùn tắc, vì hành khách sử dụng xe cá nhân đưa đón quá nhiều. Trong khi đó, phương tiện công cộng thì ngoài xe bus chỉ có taxi, trong khi taxi bị hạn chế vì lợi ích của đơn vị khai thác cảng.

Để các bến xe liên tỉnh ở ngoại vi hấp dẫn với hành khách, chính quyền đô thị cần phải thực tâm ưu tiên phương tiện kết nối công cộng. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động tại bến.

Nếu thành phố không quyết liệt dẹp xe dù, bến cóc, vẫn để các nhà xe có thể tùy tiện không cần vào bến vẫn có thể hoạt động thì các nhà xe làm ăn nghiêm túc sẽ không thể cạnh tranh. Người dân thì chỉ quan tâm đến sự tiện lợi của mình, bất kể sự tiện lợi đó có thể ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông chung ra sao.

Khi các bến xe đều rời ra ngoại ô, xe khách liên tỉnh không đi vào trung tâm sẽ giảm ùn tắc giao thông trong các đô thị. Đó là lợi ích lớn hơn nhiều so với việc kinh doanh bến bãi. Nếu không nỗ lực để tạo cơ hội cho lợi ích lớn hơn, tổng thể hơn, các đô thị sẽ mãi mãi loay hoay với những nỗi đau đầu vặt vãnh./.