Tư duy đổ lỗi

Nạn tắc đường ở các thành phố lớn phổ biến từ nhiều năm nay là một trong những bài toán khó có lời giải chính xác của ngành giao thông. Còn với người dân, mỗi khi tham gia giao thông vào giờ cao điểm, chắc không ít người đổ lỗi cho việc quy hoạch thiếu đồng bộ, gây khổ sở cho dân…

Sau những ngày đầu thí điểm phân làn ở tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - một trong những tuyến đường giao thông phức tạp nhất Thủ đô, tình trạng ùn tắc, hỗn loạn vẫn xảy ra.

Người ta trách móc ngành giao thông đưa ra những phương án thiếu thực tế, không khả thi và gây cười.

Trước đó là việc nắn làn tại khu vực Ngã Tư Sở để giảm tình trạng ùn tắc tại ngã tư này. Sau những công trình mở đường, cầu vượt để giải quyết nạn tắc nghẽn giao thông kéo dài hàng chục năm ở 2 ngã tư nổi tiếng nhất Thủ đô là Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, có vẻ như tình trạng tắc đường ngày càng thêm nghiêm trọng.

Những người Hà Nội xưa vẫn gọi Ngã Tư Sở là Ngã Tư Khổ - khốn khổ vì tắc đường – có lẽ trong một lúc nào đó, đã từng hy vọng khi tuyến đường Trường Chinh, cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng làm xong sẽ giải quyết triệt để nỗi khổ của người dân khi đi qua đây.

Nhưng niềm vui chưa thấy đâu thì nỗi thất vọng đã tràn trề. Tắc vẫn hoàn tắc!

Cảnh tượng giao thông hằng ngày trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội trong khung giờ cao điểm

Người ta đổ lỗi cho ngành giao thông tư duy manh mún, mở đường, xây cầu không tính được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.

Điều này nghe có phần nào… đúng.

Nhưng…

Có lẽ sau vài ngày thí điểm phân làn giao thông trên đường Nguyễn Trãi, chúng ta phải nhìn lại vấn đề này. Liệu có phải lỗi hoàn toàn do ngành giao thông? Liệu có phải lỗi hoàn toàn do quy hoạch thiếu tầm nhìn của thành phố?

Hay lỗi này, cũng một phần do chính chúng ta - những người tham gia giao thông hằng ngày trên đường?

Rõ ràng, kế hoạch thí điểm đã được thông báo trên các phương tiện truyền thông từ trước, đồng thời, khi triển khai thí điểm, bên cạnh việc dựng dải phân cách chia làn ô tô – xe máy, lực lượng chức năng đã được triển khai để hướng dẫn người dân tham gia giao thông cho đúng phần đường của mình.

Thế nhưng, thậm chí dù có lực lượng chức năng, dù có dải phân cách, dù có thông tin tuyên truyền… người ta vẫn “cố tình” đi vào phần đường không phải của mình. Len lỏi, luồn lách, rẽ ngang, tạt ngửa… ô tô vẫn đi vào làn cho xe máy, xe máy vẫn chen vào làn dành cho ô tô. Vậy là ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc. Sau vài ngày, kế hoạch phân làn có vẻ như phá sản.

Có người bảo, cứ bình tĩnh, sau 1 tháng khi mọi người đã quen, tình trạng này sẽ giảm. Nhưng nếu ai thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này mới rõ. Giao thông ở đây thực sự khủng khiếp. Mạnh ai nấy đi, rẽ ngang, tạt ngửa, xe máy sẵn sàng tạt đầu oto, ô tô dàn hàng ngang chiếm hết toàn bộ lòng đường vào mỗi giờ tan tầm hay sáng sớm đi làm. Không ai chịu nhường ai. Vì nếu có một người “lịch sự” nhường đường, sẽ có hàng chục, hàng trăm người khác chèn vào… chỗ trống.

Kẻ dại dột nhường đường kia cuối cùng sẽ ở mãi phía sau không biết lúc nào mới có thể di chuyển về nhà được.

Người ta vẫn đề cập đến vấn đề văn hoá giao thông. Nhưng nếu muốn tất cả mọi người đều có yếu tố này, có lẽ chúng ta phải… sửa luật hoặc thực thi luật giao thông một cách nghiêm khắc, quyết liệt và triệt để hơn. Không thể dễ dàng có một tấm bằng điều khiển phương tiện tham gia giao thông như hiện nay, thậm chí là một tấm bằng xe máy.

Cần xây dựng văn hoá giao thông bằng những hành động nghiêm khắc

Nhiều lúc, nhiều nơi, người ta chỉ cần học để lái được xe, còn phần thi lý thuyết thì đã có tiền… chống trượt. Vậy là, chả cần hiểu biết gì về luật giao thông, đã có thể đường hoàng được cấp bằng lái xe ra đường. Không hỗn loạn mới là lạ.

Phạt. Phải xử phạt thật nghiêm, thật nặng. Và cơ quan chịu trách nhiệm vấn đề này, đó là lực lượng cảnh sát giao thông, cũng cần phải chấn chỉnh lại những tiêu cực, dễ dãi trong quá trình xử lý vi phạm.

Có như vậy, người dân mới không nhờn luật, dần dần sẽ nghiêm khắc với bản thân hơn, hình thành thói quen tôn trọng người khác, tôn trọng chính bản thân mình mỗi khi tham gia giao thông… Chứ không phải là đổ lỗi cho người khác mỗi khi xảy ra tình trạng tồi tệ khi tham gia giao thông.

Tất nhiên, ngành giao thông cũng cần phải nhìn lại công việc của mình, không thể làm việc theo cách sai đến đâu sửa đến đấy, làm xong thấy bất hợp lý thì sửa (?)… Đó cũng chính là nguyên nhân đem lại sự bất bình của người dân với những tồn tại kéo dài dai dẳng của giao thông công cộng hiện nay.

Tóm lại, muốn thay đổi bộ mặt giao thông tồi tệ hiện nay, không chỉ dựa vào sự nỗ lực của một vài cá nhân, một ngành nào đó liên quan, mà phải có sự phối hợp, chung sức của toàn xã hội.