Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình

Câu chuyện về bác Chắt và người con trai nuôi bác cưu mang từ nhỏ, chăm sóc, nuôi dưỡng thành tài, mới đây bác còn đứng ra tổ chức một lễ cưới ấm áp cho cậu bé mồ côi năm ấy.

Bác Chắt là người sáng lập Cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập Trung tâm Hy Vọng (2 cơ sở ở Lạng Sơn, 1 ở Hưng Yên), nuôi dưỡng hơn 200 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có trường hợp của anh Hưng được bác nhận nuôi từ năm 2003: "Mình vào trung tâm từ năm 2003. Lúc đó mình 11 tuổi. Lúc đó gia đình rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ sức khỏe yếu, nhà đông anh em nên trong lúc khó khăn tuyệt vọng được bác Chắt giúp đỡ đón về trung tâm. Không chỉ riêng mình mà còn rất nhiều các bạn khác sinh sống ở trung tâm của mình, rất là mắn trung tâm như một ngôi nhà thứ 2. Nếu không có trung tâm thì sẽ đều không có được cơ hội đi học".  

Vậy là nhân duyên giữa bác Chắt và anh Hưng cũng như nhiều bạn nhỏ khác được bắt đầu như thế. Bác đến thăm gia đình, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, quyết định nhận nuôi anh Hưng là người con bé nhất trong nhà. Anh Hưng là 1 trong 48 trẻ được bác đưa về Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình nuôi dưỡng đợt đầu tiên.

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt thành lập Trung tâm Hy vọng sau khi nghỉ hưu

Bác Chắt định hướng và muốn các thành viên trong trung tâm thực sự coi nhau là gia đình, thế nên luôn làm gương cho các con bằng việc quan tâm chăm sóc, đối xử công bằng, không phân biệt hông phân biệt lớn bé, ngoan hay không ngoan. Nếu mua bánh, bác sẽ mua đủ 48 cái, cái nào cũng bằng nhau.  Tất cả các con đều được giúp đỡ đến nơi đến chốn, định hướng học nghề hoặc cao đẳng, đại học.

Bác chia sẻ: “Theo quy định, trung tâm bảo trợ chỉ nuôi trẻ đến đủ 18 tuổi thì các cháu phải ra ngoài tự lập. Thế nhưng, tôi thường giúp đến nơi đến chốn đối với những cháu có chí, năng lực phát triển.

Khi tiếp nhận các em vào trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng thì bác dành hết tình cảm như một người bố, người mẹ. Người bố lo cơm áo gạo tiền, cơ sở vật chất cho các em có điều kiện đi học, người mẹ thì bảo ban đường ăn nét ở hàng ngày. Ở trung tâm các bạn các em vào chỉ có mình bác, có một số người làm thiện nguyện giúp bác quản lý nhưng cũng không phải đẻ con ra nên chỉ giúp những cái nhỏ nhất, thông thường hàng ngày. Nên bác làm công việc bảo ban của người bố người mẹ để các em trưởng thành"

Dù chăm lo cho các con ở trung tâm không khác một người cha, nhưng bác Chắt quy định mọi người không được gọi cha mà phải gọi là bác. Vì bản thân bác đã lớn tuổi, các con ở trung tâm lại ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bác thì lớn hơn cha mẹ một chút, kém ông bà một chút, nên gọi là bác có vẻ hợp lý hơn. Ngoài ra, bác Chắt không muốn cách xưng hô “cha - con” sợ sau này sẽ trở thành sợi dây ràng buộc trách nhiệm khiến các bạn ở trung tâm phải suy nghĩ.

Dù chưa từng gọi bác Chắt một tiếng Cha nhưng tận sâu trong trái tim mình anh Hưng vẫn dành đến bác sự kính trọng và biết ơn.Dù việc lớn nhỏ, hay chuyện hệ trọng của đời người anh Hưng luôn cậy nhờ ông Chắt chỉ bảo, lo liệu. Khi tìm được một nửa yêu thương, anh về tâm sự, nhờ bác đến nhà gái xin phép, bàn chuyện cưới xin:

"Trong ngày lễ quan trọng của đời mình, bác Chắt như một người cha trong gia đình lo cho con. Tất cả mọi thứ bác đều lo cho mình, đôi lúc mình còn thấy bác lo đám cưới cho mình còn hơn cả mình từ khâu tổ chức, hội trường, rồi chuẩn bị phòng cưới… Tất cả đều có sự chuẩn bị của bác. Từ đáy lòng mình muốn gửi lời cảm ơn đến bác, vợ của Bác và gia đình Bác suốt 20 năm qua đã nuôi dưỡng để mình  được trưởng thành phát triển như ngày hôm nay bác Chắt như một người cha thứ hai, đã nuôi dưỡng và cho mình cuộc sống hiện tại"

Anh Hưng đã thành công trên con đường học vấn và quyết định trở lại hỗ trợ quản lý Trung tâm Hy vọng

Cuộc sống gia đình bắt đầu từ lễ cưới, có tròn đầy mới được hạnh phúc, vậy nên bác đại diện nhà trai đứng ra tổ chức cho anh Hưng. Bác cho biết anh Hưng chưa có thu nhập ổn định nên hàng tháng, bác vẫn hỗ trợ anh một khoản nhỏ để tiêu dùng cá nhân. Vì vậy, chi phí cưới xin cho phía nhà trai đều được bác giúp đỡ chi trả:

"Trong trách nhiệm của người bố,mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng bảo ban con cái, dựng vợ gả chồng. Bác làm việc này với ý nghĩ vậy để các anh, các chị, cụ thể a Hưng vừa rồi được đầy đủ, bình đẳng như bao người khác, được tổ chức lễ cưới đầy đủ nghi lễ, nghi thức, có người bố người mẹ lo cho chứ không đơn độc. Nên bác làm điều này với tư cách, suy nghĩ của bố mẹ, như con cái bác trong nhà. Bác tổ chức cho 3 người con rồi. Một người con trai, hai người con gái".

Mỗi lần có việc trọng đại cả trung tâm lại được dịp nhộn nhịp những tiếng cười. Vừa là để tiết kiệm chi phí nên bác huy động toàn bộ đại gia đình Hy Vọng Lộc Bình tập trung nhân lực cho đám cưới của “ anh cả”. Ai biết việc thì mua vải, may phông màn, số khác thì giăng đèn, kết hoa, trang trí phòng cưới.

Ổn định được mái ấm hạnh phúc của mình, lại dưới sự chỉ dẫn của bác Chắt anh Hưng tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công tác xã hội, nên anh Hưng quyết định trở về quê, hỗ trợ bác Chắt quản lý trung tâm bởi với anh đây là ngôi nhà thứ 2 anh muốn trở về để giúp đỡ các em như một người anh cả và trách nhiệm của một người con quay về giúp đỡ Bố chăm sóc các em.

Mong rằng sự trưởng thành của năm tháng đó lớn lên bằng tất cả tình yêu thương của bác Chắt thì a Hưng và những thế hệ sau này sẽ tiếp tục viết tiếp những câu chuyện thật đẹp như đúng với tên gọi của trung tâm “ Hy vọng Lộc Bình”.

---

Các bạn thân mến.

Thiên lý hữu tình hôm nay xin được khép lại tại đây. Nếu bạn có những câu chuyện hữu tình trên các cung đường của cuộc sống, hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinh@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast; Google Podcast với từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.