Trừ điểm bằng lái xe cần được coi là biện pháp quản lý

Trước đây chúng ta đã tiến hành bấm lỗ bằng nhưng sau đó bỏ, còn giờ thì nên trừ điểm. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm, mà những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả sẽ bị trừ điểm cụ thể.

Ngày 10/11, góp ý dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ khi thảo luận tổ ở Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam (Viện trưởng Khoa học hình sự - Bộ Công an) đề xuất bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe.

Theo ông Nam, trừ điểm giấy phép lái xe cần coi là một biện pháp quản lý nhà nước, chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

"Thực tế nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước đang áp dụng biện pháp này như một cách để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp bằng trở lại", thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam cho biết.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị tính điểm bằng lái tài xế. Trong đó, có thể đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm, nếu vi phạm, bị trừ số điểm tối đa bao nhiêu sẽ bị hủy bằng, phải thi lại để được cấp.

"Trước đây chúng ta đã tiến hành bấm lỗ bằng nhưng sau đó bỏ, còn giờ thì nên trừ điểm. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm, mà những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả sẽ bị trừ điểm cụ thể", ông An nhận định.

Cùng quan điểm, thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, khi ông thi và lấy bằng lái xe ở bang California (Mỹ), họ cũng áp dụng quy định tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ phạm lỗi. Khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sẽ bị thu hồi và bị phạt hành chính.

"Cần phải có quy định trừ điểm bằng lái xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ", ông Thiện nêu quan điểm.

Từ năm 2020, Bộ Công an đã nêu ý tưởng quy định trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ - Ảnh nh họa

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng bày tỏ quan ngại khi mỗi năm giấy phép lái xe được cấp rất nhiều nhưng chưa có quy định về kiểm soát sau khi sát hạch. Ông lấy ví dụ, có người học, thi lấy bằng lái xe xong rồi mấy năm sau không lái, hay có tài xế xe tải trọng lớn không chỉ vi phạm nồng độ cồn mà còn dùng ma túy.

"Đây là điều đáng cảnh báo. Luật cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của sát hạch, cấp bằng lái xe gắn với đảm bảo trật tự an toàn giao thông", ông Thiện đề xuất.

Từ năm 2020, Bộ Công an đã nêu ý tưởng quy định trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tương ứng với 12 tháng và tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm.

Khi bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.