Triển khai Thông tư 15: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn nhiều băn khoăn

VOVGT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Thông tư 15 vẫn còn nhiều bất cập để một số nơi vẫn có thể dựa vào đó để lạm dụng Quỹ BHYT.

Thông tư 15 được Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc về điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó, từ ngày 15/7/2018, có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh về giá, trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 5% đến 24%. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, Thông tư 15 vẫn còn nhiều bất cập để một số nơi vẫn có thể dựa vào đó để lạm dụng Quỹ BHYT. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) về vấn đề này.

 

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)

PV: Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định thông nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Với quy định này, nhiều dịch vụ khám chữa bệnh BHYT được giảm giá, người dân sẽ được hưởng lợi. Vậy ông có đánh giá như thế nào về Thông tư này?

Ông Lê Văn Phúc: Thông tư 15 cũng mới chỉ điều chỉnh khoảng trên 80 dịch vụ y tế, trong đó dịch vụ giường bệnh và khám bệnh cũng đã chiếm một nửa số đó rồi. Như vậy, chúng ta không thể giải quyết được tất cả những bất cập của Thông tư số 37, đó là vấn đề xây dựng định mức kỹ thuật cho toàn bộ các dịch vụ và vấn đề phiên tương đương của hàng nghìn dịch vụ chưa có giá, hiện nay vẫn đang bê nguyên từ Thông tư 37 sang Thông tư 15.

Vấn đề giải quyết được, đó là những dịch vụ ban hành theo Thông tư 15, những dịch vụ sửa đổi đợt này, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã tiến hành, khảo sát, xây dựng định mức kinh tế, tuy là chưa thực sự đúng với thực tế bởi thời gian khảo sát không nhiều, số bệnh viện khảo sát không lớn nhưng cũng đã điều chỉnh được định mức kỹ thuật của một số dịch vụ, làm giảm giá một số dịch vụ như y học cổ truyền, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh.

Nhiều dịch vụ chưa giải quyết được như định mức còn lại của nhiều dịch vụ kỹ thuật nữa chưa xây dựng chuẩn xác, mức giá vẫn còn cao. Vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh, kiểm soát thực hiện định mức chưa giải quyết được. Đặc biệt là vấn đề thanh toán theo định mức nhân lực giường bệnh cũng chưa làm được. Trong giai đoạn 2, khi sửa đổi tiếp Thông tư 37, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phải hướng tới những việc đó.

PV: Theo thông tư này, mỗi ngày số lượt khám trên một bàn khám sẽ tăng từ 35 lên 65 người. Như vậy có đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh không, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Chúng ta phải hiểu số người bình quân trên một bàn khám và số lượng bình quân tuyệt đối trên một bàn khám một ngày. Bởi vì bình quân rất khác nhau. Ví dụ, một bệnh viện có 10 bàn khám, một ngày có 500 bệnh nhân đến khám bệnh. Có những bàn khám chỉ 10-20 bệnh nhân, những có những bàn khám, nhất là bàn khám liên quan đến khám nội, tổng hợp có thể khám 1 ngày lên đến 80-90 bệnh nhân, nhưng bình quân vẫn chưa vượt định mức 45 bệnh nhân một bàn khám.

Để giải quyết tình trạng khám quá nhiều người bệnh trên một bàn khám trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất đưa ra một định mức cứng là một bàn khám không được vượt quá 65 bệnh nhân một ngày, 8 tiếng để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, dần dần cũng phải giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay nhân lực y tế, cơ sở vật chất còn thiếu mà nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh lại tăng thì tạm thời xác định một mức tối đa là như vậy. Nhưng trong tương lai, mức tối đa này cũng sẽ phải giảm, hướng tới đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

PV: Có ý kiến cho rằng Thông tư 15 vẫn còn nhiều kẽ hở có thể khiến các cơ sở y tế lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT. Theo ông, cần phải có chế tài xử lý như thế nào đối với các trường hợp thu thêm của người bệnh những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế?

Ông Lê Văn Phúc: Giá dịch vụ quy định theo Thông tư 15  bao gồm 4 yếu tố, trong đó bao gồm những yếu tố chi phí trực tiếp vào người bệnh, có kết cấu tiền lương, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chưa thực hiện kết cấu quản lý, kết cấu khấu hao tài sản và chi phí khác nữa như chi phí đào tạo, chuyên gia.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy là có một số bệnh viện, kể cả bệnh viện công đang có việc thực hiện các dịch vụ từ những trang thiết bị xã hội hóa. Các bệnh viện tư nhân phải tự chi trả tất cả các khoản, kể cả vấn đề đầu tư khấu hao tài sản, tức là đầy đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên họ sẽ có khung chênh lệch. Bên cạnh đó, có những loại thuốc chưa có trong danh mục hoặc không được quỹ BHYT chi trả thì bệnh viện vẫn phải thu thêm.

Tuy nhiên, phía BHXH Việt Nam cũng đề nghị, để đảm bảo được tính chi trả và đảm bảo quyền lợi người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai mức giá. Chẳng hạn, giá máy thực hiện một emprire (máy xã hội hóa) thì bệnh viện thu thêm bao nhiêu, quỹ BHYT chi trả là bao nhiêu. Phải công khai rõ ràng để bệnh nhân hiểu được và tạo nên sự nh bạch trong việc chi trả từ quỹ BHYT cũng như từ tiền túi của người dân. Tránh tình trạng như thời gian vừa qua, một số bệnh viện thu thêm của người bệnh nhưng lại không giải thích cho người bệnh những khoản thu thêm, lẫn trong đó đã có những dịch vụ, những loại vật tư y tế đã được quỹ BHYT chi trả.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!