Trang bị tấm che giọt bắt cho học sinh liệu có cần thiết?

Tại một số địa phương, trong những ngày đầu trở lại trường học, học sinh ngoài việc đeo khẩu trang thì còn mang cả những tấm che giọt bắn khi ngồi học để phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, việc học sinh trang bị những tấm chắn che giọt bắn khi ngồi học trong lớp là không cần thiết và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của các em.

Về vấn đề này, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, mời quý vị lắng nghe. 

PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về việc một số trường học để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid 19 thì cho học sinh đeo thêm tấm chắn giọt bắn khi ngồi học trong lớp? 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Bây giờ quay trở lại trường học thì các cháu bé phải thực hiện quy định chung của Bộ Giáo dục và hướng dẫn của ngành y tế. Đó là ngồi xa nhau và đeo khẩu trang. Đặc biệt là đeo khẩu trang trong suốt thời gian học và khi ra ngoài chơi, tránh tụ tập. Điều đó là cần thiết vì sẽ giảm thiểu khả năng văng giọt bắn vào mặt nhau. 

Việc một số trường để đảm bảo an toàn thì trang bị cho con em những tấm chắn thì thực ra là hơi quá, đồng thời có thể gây hại cho các em. Khi các em đeo tấm chắn ấy thì hơi nước từ không khí thở của em bé sẽ làm mờ tấm chắn. Mắt em bé phải làm việc nhiều hơn để nhìn rõ chữ trên bảng cũng như nhận rõ chữ. 

Thứ hai là giảm thiểu độ lưu chuyển khí oxy. Vì khi trẻ ngồi học và thở như thế thì thông qua khẩu trang còn đỡ. Đằng này lại còn luẩn quẩn quanh khẩu trang rồi quanh vòng tấm chắn thì sẽ bị thiếu oxy. Khi não thiếu oxy thì khả năng tư duy rồi khả năng học tập của bé giảm đi rõ rệt. Ở thời điểm này, thời tiết nóng còn nguy hiểm hơn là vấn đề trao đổi thân nhiệt, thậm chí dẫn đến ngất. 

Thứ ba là sự vướng víu bức bối, làm trẻ em rất khó chịu khi quay ngang, quay dọc, tư duy, viết lách. Bản thân tôi đề nghị rằng không nên để các cháu dùng thêm tấm chắn đó nữa.  

PV: Theo bác sĩ, trong trường hợp nào thì trẻ em nên sử dụng tấm chắn giọt bắn?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Tấm chắn này thì thường dùng đối với nhân viên y tế để khi tiếp xúc, khám bệnh thì đề phòng giọt bắn đột ngột. Khẩu trang vẫn quan trọng hơn, bởi vì tấm chắn chặn được giọt bắn thẳng vào mặt nhưng vẫn có thể hít vào mũi. Bởi vậy, theo khuyến cáo của ngành y tế và hiện nay là Bộ Giáo dục đang thực hiện thì vẫn nên đeo khẩu trang.

Còn chuyện đeo kính chắn nếu cho trẻ em sử dụng thì nên dùng khi trẻ đến các điểm vui chơi, đề phòng ai đó vồ phải, hắt hơi văng nuốt bọt. Thứ hai là khi di chuyển bằng xe máy, hoặc bằng phương tiện nào khác để đề phòng. Còn bình thường thì theo tôi là không nên sử dụng, vì gây vướng víu, ảnh hưởng đến học tập của trẻ em. 

PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ!