Trân trọng Quốc kỳ

Bây giờ là mùa thu, mùa của những chuyến đi phượt, mùa mà những hành trình chinh phục các địa danh nổi tiếng. Trên hành trình này, nhiều bạn trẻ mang theo quốc kỳ để chụp ảnh với rất nhiều sự trân trọng. Nhưng trân trọng quốc kỳ sao cho đúng?

Mới đây, có một số người bạn khoe với tôi là họ được nhận quà tặng đó một lá cờ, trên đó có chữ ký. Đó có thể là lá cờ đã từng treo trên cột cờ từ một vùng đảo, khi đưa xuống có các chiến sĩ ký vào đó; hoặc lá cờ một đơn vị nào đó mà có ký tên ơt trên đó.

Tôi nói với họ như vậy là không được, bởi ký tên vào lá cờ là một việc không được phép.

Quay ngược lại thời gian, cờ Tổ quốc - lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta đã trở thành biểu tượng của đất nước. Trước đó, là biểu tượng của Mặt trận Việt Minh, kể từ ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa đầu tiên thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đã ấn định về cờ Tổ quốc, đó là lá cờ màu đỏ và ngôi sao vàng ở giữa.

Các bản hiến pháp khác nhau từ đó đến nay cũng quy định cờ Tổ quốc là như vậy.

Cũng giống như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, với sự thiêng liêng của quốc kỳ, vai trò là đại diện cho một dân tộc, một đất nước, trong Luật hình sự có quy định, về tội xúc phạm quốc kỳ. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc khác nhau bị xử lý do xúc phạm kỳ.

Vậy tại sao lại cần phải có một điều khoản như vậy? Bởi vì quốc kỳ là đại diện của một quốc gia, dấu hiệu để đại diện cho quốc gia đó, việc xúc phạm quốc kỳ là không thể chấp nhận được.

Ví dụ, đối với quốc kỳ của Hoa Kỳ (Mỹ), thậm chí họ còn có một quy định, nếu như lá cờ chạm xuống đất thì người ta sẽ đốt đi, chứ không treo tiếp.

Bởi vì người ta cho rằng, quốc kỳ rất thiêng liêng, cần phải được gìn giữ một cách cẩn trọng.

Nếu bạn theo dõi tin tức quốc tế vài năm trước, có thể bạn đã từng nghe đến trường hợp Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có vài lần có các vấn đề đối với quốc kỳ.

Ví dụ như khi ông tham gia một đại hội yoga thế giới và ông dùng quốc kỳ để quàng xung quanh cổ, nhưng mọi người cho rằng việc đó là không đúng cách.

Và như thế là xúc phạm quốc kỳ Ấn Độ.

Hoặc một sự cố khác, khi ông ký vào một chiếc hộp đựng, trên đó có hoa văn của quốc kỳ. Cả hai lần đó rất may là Tòa án và các đơn vị liên quan đều xác định rằng, đó không phải là quốc ghi.

Cũng phải nói thêm, với quốc kỳ, chúng ta có quy định rất rõ trong Hiến pháp của các nước cũng như Hiến pháp của Việt Nam. Ví dụ ở Việt Nam đó là bằng vải màu đỏ, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Với vai trò là một vật thể đại diện cho quốc gia, một sự thiêng liêng như vậy, không ai có quyền ký, viết, vẽ lên quốc kỳ.

Tôi nghĩ, chúng ta cần phải nói với nhau, chia sẻ với nhau về nguyên tắc như vậy. Nếu được tặng một lá cờ, chúng ta có thể trân trọng và quý trọng bằng cách giữ lá cờ đỏ nguyên vẹn. Chúng ta đừng để cá nhân mình lên cao hơn biểu tượng quốc gia, bằng việc ký vào đó.

Hành động viết, vẽ vào quốc kỳ sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của quốc kỳ, và đâu đó thể hiện sự không trân trọng đối với lá cờ Tổ quốc.

Những việc làm như vậy nên được dừng lại. Nếu chúng ta yêu quý mà ai đó và tặng cho người khác lá quốc kỳ, hãy là một lá quốc kỳ nguyên vẹn.

Dù đó có thể là một lá quốc kỳ đã tung bay trong gió và bị rách, bị hư hại do điều kiện tự nhiên, nhưng cũng đừng để trên đó có chữ ký, viết, vẽ các dấu hiệu cá nhân.

Có như vậy, mới là cách chúng ta trân trọng đối với quốc kỳ, với biểu tượng của đất nước.