“Trái tim của thủ đô” vẫn chưa “thân thiện” với du khách

Hồ Hoàn Kiếm, không gian văn hóa của gắn liền với nhiều di tích lịch sử. Thế nhưng thời gian qua, những gian hàng liên tục được dựng lên, những chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức vào các ngày cuối tuần hay các gánh hàng rong chèo kéo du khách đã làm xấu đi hình ảnh “trái tim của thủ đô”…

Hồ Hoàn Kiếm và phố đi bộ từ khi được hình thành vốn là điểm thu hút hàng vạn người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước tới tham quan, vui chơi. Thế nhưng, trái với sự yên bình thường thấy của hồ, khắp các địa điểm từ khu vực đường Đinh Tiên Hoàng thường xuyên trở thành điểm biểu diễn nghệ thuật với âm thanh ầm ĩ.

Theo chị Nguyễn Trang Nhung (trú tại quận Ba Đình) chia sẻ, mặc dù các sự kiện và gian hàng được tổ chức nào dịp cuối tuần nhưng từ giữa tuần ban tổ chức đã tập kết nhà bạt, giàn thép, thiết bị âm thanh… đến dây điện cũng được kéo ngang qua mặt đường. Thậm chí có chương trình quây kín 1 góc quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khiến người tham gia giao thông chẳng còn biết đi lối nào.

“Mình thấy cuối tuần nào hầu như cho trẻ con đi chơi là nhiều nhưng không gian chật quá không thể đi bộ được. Khi tổ chức nhiều như thế một phần ảnh hưởng đến môi trường, vì quá đông, người ta mua hàng nhiều, xả rác nhiều cũng ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường. Mình thấy đi trong tuần nó dễ chịu với nhìn ngắm quang cảnh được hơn, còn đi vào cuối tuần thì đang đi lại phải tránh gian hàng thế là mình không thể quan sát được mọi thứ…”, chị Nhung nói.

Các đơn vị thi công, lắp ráp các gian hàng phục vụ sự kiện tại phố Đinh Tiên Hoàng vào chiều ngày 17/9. Điều đáng nói, các thiết bị này chắn hết phần vỉa hè, khiến người đi bộ, tập thể dục phải đi dưới lòng đường. (Ảnh Hoàng Hà)

Hà Nội tổ chức khu vực hồ Hoàn Kiếm thành không gian đi bộ vào cuối tuần, với mục đích kiến tạo một không gian văn hóa, một điểm đến du lịch. Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch tại đây đã góp phần tôn vinh nét đẹp của Hà Nội.

Bởi thế, việc lạm dụng tổ chức các hoạt động thương mại, các gian hàng quây kín cả một đoạn phố dài đã khiến khách tham quan không thể thưởng thức vẻ yên bình vốn có, mà còn phải chịu cảnh đi dạo trong tiếng nhạc xập xình, tiếng quảng cáo bán hàng và mùi thức ăn từ các hàng quán. Cũng từ đây, nhiều người đã bỏ thói quen đến bờ hồ vào mỗi dịp cuối tuần, thay vào đó, họ chọn cho mình một không gian riêng, một chút thời gian yên bình vào sáng sớm hoặc giờ nghỉ trưa của các ngày trong tuần.

Hoàng Anh Vũ, học sinh một trường cấp 3 trên địa bàn TP. Hà Nội chia sẻ: “Khi đi quanh hồ, bọn em cũng chỉ muốn ngắm được quanh cảnh của hồ nên các gian hàng bày bán thế này em nghĩ nên có cửa hàng bên mặt phố sẽ tốt hơn là bán trên vỉa hè. Em nghĩ bán trên vỉa hè là không nên vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến không gian đi lại của khách du lịch. Đối với bọn em thì quen rồi nhưng khách du lịch người nước ngoài sẽ cảm thấy khó chịu vì đang đi bộ sẽ bị vướng và phải né tránh các gian hàng…”

Tình trạng bán hàng rong vẫn diễn ra tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Hải Bằng)
Lực lượng chức năng xử lý một số tình trạng lấn chiếm không gian công cộng để bán hàng. (Ảnh: Ngọc Tuấn)

Đây không phải lần đầu các gian hàng lộn xộn, tình trạng buôn bán, chặt chém, chèo kéo khách du lịch của các gánh hàng rong diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Vào tháng 8 vừa qua, VOV Giao thông cũng ghi nhận về tình trạng "xí chỗ" vỉa hè hồ Hoàn Kiếm để bán hàng; hay sự việc các khách du lịch nước ngoài phải trả hàng trăm ngàn đồng cho 1 kg hoa quả khiến nhiều người dân bức xúc. Bên cạnh đó, một số sự kiện thể thao, nhạc hội được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng gây “khó chịu” cho nhiều người dân và du khách.

Theo một số khách du lịch cho biết, không gian phố đi bộ đang bị lạm dụng quá nhiều bởi những hội chợ, gian hàng và hàng rong chèo kéo sẽ làm mất cảnh quan, vẻ đẹp yên bình vốn có của hồ Hoàn Kiếm.

“Đến bờ hồ trong tuần, giữa tuần thì thích hơn vì không gian thoáng còn cuối tuần thì đông người quá, không được thoải mái lắm. Các gian hàng cũng tốt nhưng nên quây vào một chỗ thôi, còn chỗ khác nên để mọi người vui chơi. Ví dụ khách đông mình nên mở tập trung vào một chỗ như khu ẩm thực hay bán đồ lưu niệm… Khách nếu cần thì đến đó tìm cũng dễ mà không bị xấu đi hình ảnh, các gian hàng cũng không nên làm to quá vì to quá sẽ làm mất đi thẩm mỹ chung của phố đi bộ này”.

“Em thấy đôi khi hồ của mình có nhiều sự kiện quá nên em cũng không thấy thoải mái lắm, em thích khoảng thời gian phố đi bộ nhưng mà ít sự kiện đi một chút hoặc 2 tuần diễn ra 1 lần thì em thấy có thể tiện và thoải mái hơn”.

“Trong quá trình mình xây dựng, lắp ghép cũng chưa được mỹ quan, gây ảnh hưởng cho mọi người đi xung quanh, chưa được ổn về mỹ thuật. Ví dụ như chủ nhật mà xong gian hàng thì phải đến thứ 3 mới dọn sạch. Những nơi người ta làm chuyên nghiệp đội thi công đổ bộ xuống lắp ghép rất nhanh, mình cũng có thể áp dụng sự chuyên nghiệp đấy vào đây. Các sự kiện cần bổ sung thêm sọt rác vì không có sọt rác thì người ta sẵn sàng bỏ ngay rác xuống dưới sàn rồi”.

Một góc hồ Hoàn Kiếm chứa rác thải và cá chết… (Ảnh: Hải Bằng).

Trung bình các ngày cuối tuần, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đón hàng chục ngàn lượt khách. Thế nhưng, việc lạm dụng tổ chức các hoạt động thương mại, hoạt động nghệ thuật hay không kịp thời chấn chỉnh tình trạng hàng rong chèo kéo khách du lịch có thể làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa linh thiêng của di tích hồ Hoàn Kiếm – trái tim của thủ đô.

Phố đi bộ là không gian của cộng đồng. Với Hà Nội, phố đi bộ mang nhiều bản sắc văn hóa, thể hiện nét độc đáo của thủ đô và được coi là điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho du khách và người dân. Do đó, bên cạnh ý nghĩa là không gian văn hóa du lịch, phố đi bộ còn mang giá trị khác mà ít người biết là giúp người dân thư giãn, nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng để sáng tạo sau những ngày làm việc.

Phố đi bộ cũng là những khoảng lặng cần thiết cho con người và cảnh vật giữa nhịp sống hối hả của thủ đô đông đúc và cũng là một khoảng “nghỉ ngơi” cho các con đường sau một thời gian dài phục vụ các loại phương tiện./.