Ngành chức năng thành phố đã có giải pháp gì có giải pháp gì về trước mắt và lâu dài để giảm, cũng như xóa điểm kẹt xe “bao vây” này?
Gần 8 giờ sáng, hàng ngàn người từ TP.Thủ Đức, tỉnh Bình Dương từ Quốc lộ 13, đường Phạm Văn Đồng, đổ vào con đường 1 chiều - Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) để đi làm ở các quận trung tâm TP.HCM. Từ cầu Bình Triệu xuống đường Đinh Bộ Lĩnh, phương tiện lưu thông khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi đến đoạn ngã ba Đinh Bộ Lĩnh – Bùi Đình Tuý, xe bắt đầu di chuyển chậm.
Đi thêm khoảng vài trăm mét đến cầu Đinh Bộ Lĩnh, tất cả các phương tiện bắt đầu dồn lại trên đoạn đường khoảng 500m, từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến ngã tư đường Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng. Nhiều người liên tục vặn thúc ga để tranh thủ từng giây mong thoát khỏi đám đông đang nối đuôi nhau nhích từng chút một.
Người cố luồn lách qua các khoảng hở giữa những chiếc xe ô tô, người thì cho xe máy leo lên vỉa hè…tìm lối thoát khiến cho khung cảnh giao thông trở nên hỗn loạn.…dẫn đến kẹt xe “kinh niên”.
"Đường này thì thấy kẹt hoài mà bắt buộc phải đi thôi vì không có đường nào ngoài đường này là tiện lợi nhất."
"Giờ cao điểm nào cũng kẹt, có lúc kẹt cứng, với lại giấc 11 giờ mấy, 12 giờ trưa cũng kẹt. Lâu lâu cũng thấy quẹt xe, va chạm, thì do đa số chạy qua chạy lại rồi vướng nhau, quẹt liền."
Nếu buổi sáng kẹt xe ở đường Đinh Bộ Lĩnh thì chiều tối, ùn tắc giao thông tại ngã tư Hàng Xanh trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đây là giao lộ của 2 trục đường lớn là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Điện Biên Phủ, kết nối khu vực trung tâm thành phố với các địa bàn cửa ngõ.
Người dân ở khu vực các quận trung tâm như: 1, 3, 5,… muốn đi về phía ền Đông và ngược lại, thường phải qua ngã tư Hàng Xanh. Theo người dân, sợ nhất là cao điểm chiều tối khi chạy trên đường Xô Xiết Nghệ Tĩnh từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã năm Đài Liệt sĩ.
Có nhà ở TP. Thủ Đức, anh Tú mỗi ngày phải đối mặt với cảnh sáng ùn tắc ở đường Đinh Bộ Lĩnh, chiều kẹt xe trên tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh. Theo anh Tú, xe khi đi thẳng tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh liên tục xung đột với hướng rẽ trái sang Bạch Đằng. Khi qua khỏi khu vực này, dòng người tiếp tục "chôn chân" đoạn từ cầu Sơn đến giao lộ D5 khi nhiều xe chuyển làn rẽ trái, phải, hoặc chạy cắt ngang mặt đường để vào con hẻm phía đối diện. Tuy là đường chuyển thành một chiều nhưng cũng là đoạn kẹt xe triền ên nhiều năm nay và sợ nhất là mỗi khi trời mưa.
“Khi trời mưa như hiện nay thì tình hình lại khó khăn cho người tham gia giao thông. Do đó, tôi mong Nhà nước sớm mở rộng con đường này càng sớm càng tốt để hỗ trợ người dân đi lại. Tại vì đây là bức xúc tôi nghĩ nó không chỉ riêng của tôi mà còn rất nhiều người khác”, anh Tú cho biết.
Ngoài hai trục đường trên, thì các tuyến đường xunh quanh ngã tư Hàng Xanh như Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng qua Nguyễn Xí, Nguyễn Gia Trí (D2 cũ), Nguyễn Văn Thương (D1 cũ)... Giờ cao điểm, dòng xe liên tục ùn ứ ở các nút giao, cộng thêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán, đậu xe, khiến tình hình trên các tuyến đường này thêm căng thẳng. Nhất là lúc mưa lớn đổ xuống đúng giờ tan tầm làm tình trạng kẹt xe càng trở nên trầm trọng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, nút giao Hàng Xanh cùng hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh là ba trong số 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Đây cũng là những điểm đen kẹt xe thuộc nhóm "chưa có dấu hiệu chuyển biến".
Trong 9 tháng đầu năm nay, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nút giao Bạch Đằng tới ngã 5 Đài liệt sĩ được thống kê xảy ra hơn 610 vụ ùn ứ, còn giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng xảy ra gần 590 vụ.
Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã ứng dụng AI điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực ở tuyến Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí. Dự kiến, tháng 11, sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào hệ thống điều khiển đèn giao thông ở các nút giao trọng điểm như: Ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt Sĩ. Việc này nhằm tăng khả năng thoát xe tại các nút và điều tiết lưu lượng xe.
“Công nghệ này thì điều chỉnh theo thời gian thực, lắp đặt camera để quan sát dòng chờ xe và cái phần mền AI chỉnh luôn cái đèn tín hiệu. Còn về lâu dài thì đề xuất mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đề xuất làm cái đường trên cao ở khu vực này và 1 số vị trí hầm chui qua Đài liệt sỹ”, ông Nguyễn Kiên Giang cho biết.
Theo các chuyên gia về giao thông, mở rộng đường, xây hầm chui, cầu vượt… chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết kẹt xe trong giai đoạn ngắn. Giải pháp chính là phải có bổ sung thêm những tuyến giao thông, giải tỏa bớt lưu lượng xe tập trung vào một chỗ. Sâu xa hơn, thành phố cũng cần tập trung cho việc phát triển giao thông công cộng như metro, xe buýt…. Để giảm xe cá nhân.