TP.HCM: Xin cơ chế xử lý nuôi chó mèo quy mô lớn gây ô nhiễm

Đối với trường hợp hộ gia đình nuôi vật nuôi là chó, mèo số lượng lớn trong khu đô thị gây ô nhiễm môi trường, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hướng dẫn để xử lý phù hợp.

Ngày 20/3 kênh VOV Giao thông có phản ánh về tình trạng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh nuôi đàn chó với số lượng lên đến gần 100 con tại quận 4, TP.HCM, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Theo đó, UBND phường 9, quận 4 cũng đã quyết định xử phạt bà Thanh với số tiền hơn 64 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành tiêm ngừa cho đàn chó nhằm tránh tình trạng xuất hiện bệnh dại và đeo biển số hiệu cho từng con chó để hạn chế gia tăng số lượng, cũng như lắp camera theo dõi việc chó thả rông và vận động, tạo điều kiện để bà Thanh di dời đàn chó đến khu vực ngoài khu dân cư.

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời và tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra vì bà Thanh chưa đồng ý di dời, hoặc nhượng quyền nuôi đến các trang trại khác.

Ảnh: Thanh Niên

Quy định xử phạt còn chung chung, không thể xử lý triệt để

Trao đổi với VOV Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, nghị định 13/2020 có chỉ rõ dưới 10 đơn vị vật nuôi thì sẽ tính là dạng nông hộ, trong đó 1 đơn vị vật nuôi bằng 500 kg trọng lượng sống và như vậy 10 đơn vị sẽ là 5 tấn.

Thế nên, trường hợp nuôi đàn chó gần 100 con của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh, ngụ tại quận 4, TP.HCM chỉ ước chừng khoảng 1 tấn (trung bình 10kg/con), xếp vào dạng nông hộ.

Cụ thể, điều kiện chăn nuôi nông hộ là phải tách biệt với nơi ở của con người, phải thường xuyên vệ sinh thu gom phân nước thải; đối xử nhân đạo với vật nuôi, phải có chuồng trại không gian phù hợp, cung cấp đủ thức ăn nước uống...

Bên cạnh đó phải đảm bảo không để vật nuôi phát sinh bệnh dại và tấn công con người, nếu để xảy ra trường hợp như vậy phải bồi thường theo quy định pháp luật.

“Những quy định này vẫn còn chung chung chưa có quy định điều kiện cụ thể cho hoạt động chăn nuôi động vật làm cảnh nhất là trường hợp nuôi chó mèo với số lượng lớn. Và trường hợp nuôi chó mèo số lượng lớn này chỉ xếp vào dạng nông hộ vì không thể nào lớn hơn 10 đơn vị vật nuôi. Tại TP.HCM hiện nay có xuất hiện trường hợp nuôi chó mèo số lượng lớn nhưng chưa đủ cấu thành quy mô trang trại, từ đó gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường của các hộ dân xung quanh”, ông Thiết nói.

Trước vấn đề này, Chi cuc Thú y TP.HCM, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với UBND phường 9, quận 4 vận động hộ gia đình bà Thanh giảm số lượng đàn chó, hoặc di dời đến khu vực ngoại thành nhằm tránh tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa khắc phục.

“Áp dụng các biện pháp này bởi vì các điều kiện về chăn nuôi đối với chó mèo hiện chưa có quy định cụ thể liên quan đến chuyên ngành như chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi để căn cứ xác định hành vi vi phạm đến mùi hôi. Bên cạnh đó là chưa có quy định xác định mật độ nuôi trên một diện tích nuôi đối với thú cảnh và xử phạt vi phạm về tiếng ồn…cho nên chưa có biện pháp chế tài, vì vậy vẫn chưa xử lý dứt điểm trường hợp”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM nói.

Ảnh: Thanh Niên

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét hướng dẫn

Theo Chi cuc Thú y TP.HCM thống kê, tính đến tháng 02/2023, TP.HCM hiện có tổng 177.277 chó mèo được nuôi tại 101.200 hộ gia đình, bình quân mỗi hộ gia đình sẽ nuôi từ 1 đến 4 con chó, mèo. Trường hợp nuôi trên 20 con chó, mèo là rất ít.

Để có cơ sở giải quyết căn cơ, thống nhất với tất cả các địa phương về trường hợp nuôi chó mèo số lượng lớn, Sở NN & PTNT TP.HCM đã kiến nghị Bộ NN & PTNT nhằm có hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y, đối xử nhân đạo với chó mèo nuôi và các loài động vật làm cảnh khác.

“Trong tương lai vấn đề nuôi thú cảnh sẽ có xu hướng phát triển, vấn đề này lại càng rất đặc biệt tại các tỉnh thành đô đông đúc dân cư. Thế nên Sở NN & PTNT đã kiến nghị Bộ NN & PTNT có những hướng dẫn căn cơ nhằm xử lý cho phù hợp”, ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết.