TP.HCM: Ưu tiên hoàn thiện hạ tầng và nhà ở đô thị trong quy hoạch

TP.HCM đang chuẩn bị lấy ý kiến cuối kỳ để hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 tầm nhìn đến 2060. Trong đó, vấn đề phát triển lấy sông Sài Gòn làm chủ đạo, tập trung hoàn thiện hạ tầng cũng như giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho người dân nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quy hoạch chung Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM.

Ảnh nh họa. Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn

PV: Trong quy hoạch chung lần này, TP.HCM lựa chọn sông Sài Gòn làm điểm nhấn, vì sao có ý tưởng này thưa ông?

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn: Sông Sài Gòn là một tài sản thiên nhiên vô cùng quý giá đối với TP.HCM, dòng sông này gắn với lịch sử hình thành phát triển hàng trăm năm với nhiều dấu ấn văn hoá lịch sử dọc theo con sông này, gắn với những dấu ấn định cư, những dấu ấn sông nước của một thành phố cảng.

Rất nhiều thế hệ đã khai thác dòng sông này như một phương tiện để thích nghi với đời sống bằng những giá trị bền vững qua đó phục vụ phát triển cộng đồng.

Về phương diện kinh tế đô thị thì đây là cơ hội để có thể bổ sung một số khu vực khai thác giao thông thuỷ để từng bước giải quyết ùn tắc giao thông. Sông Sài Gòn là cơ hội để hình thành một hạ tầng xanh đa chức năng, trong đó có nhiều công viên chuyên đề, nhiều khoảng mở để người dân tiếp cận bờ sông, không gian thiên nhiên thoáng đãng, đa dạng từ các khu vực địa đạo, di tích, làng nghề, dải văn hoá 2 bên bờ, khu trung tâm, các công viên ở hạ lưu và thậm chí là một khu rừng ngập mặn trước khi dòng sông hoà với biển.

Đây chính là hành lang phục vụ cho nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khoẻ và khai thác các hình thức di chuyển thân thiện với môi trường như một số chuyên gia quốc tế đề xuất mô hình ewaterbus tức là taxi, bus điện chạy trên sông. Đây chính là cơ hội rất tốt để chúng ta thử nghiệm và phát huy các hình thức giao thông mới thân thiện môi trường.

PV: Với dân số 13 triệu dân thì TP.HCM đang bị xem là quá tải với hạ tầng hiện hữu. Vậy, ở đồ án quy hoạch chung lần này việc đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng sẽ được quan tâm ra sao?

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn: Về hạ tầng thì lần này có nhiều đề xuất về kết nối giao thông vùng và một số kết nối hạ tầng giúp cải thiện năng lực giao thông công cộng của thành phố. Hoàn thiện hơn và nâng gấp đôi chiều dài của mạng lưới giao thông công cộng hiện hữu để tăng công suất vận tải của một đô thị lớn trong tương lai.

Ngoài ra, cũng tăng đầu tư kết nối vùng, hạ tầng vùng cũng như là giao thông bên trong khu vực nội đô để hoàn thiện hệ thống giao thông bộ. Đồng thời cũng sẽ chuyển sang khái niệm hạ tầng xanh tức là hạ tầng bền vững đa chức năng trong đó có những khu vực đất có giá trị sinh thái, có khả năng phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiến lược sử dụng đất ở các khu ngoại thành gắn với hệ thống sông rạch và các vùng trũng nước cũng được xem là một phần của cấu trúc hạ tầng xanh giúp cho thành phố phát triển nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững.

PV: Một vấn đề bức xúc nhiều năm nay là câu chuyện nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị , vậy ở đồ án lần này TPHCM dành bao nhiêu nguồn lực về đất đai, cơ sở hạ tầng để đảm bảo giấc mơ an cư cho người dân?

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn: Nhà ở được xem là một nội dung rất trọng tâm trong đồ án quy hoạch chung. Lần này chúng tôi xác định các khu vực ưu tiên cho nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ cho lực lượng lao động tạo ra giá trị cho thành phố. Ví dụ như cụm nhà ở công nhân tại vành đai công nghiệp phía Long An, Bình Chánh hoặc phía Tây Tây Bắc, Đông Bắc,

Chúng ta tập trung phát triển các khu vực nhà ở phải đồng bộ và gắn liền với hạ tầng xã hội và kết nối với giao thông đến nơi làm việc. Trong các khu ở phải có các hạ tầng cơ bản như công viên cây xanh, y tế, trường học và cả các tiện ích dịch vụ công phải đáp ứng được cho khu vực ở tập trung thì mới phát huy hiệu quả cho các dự án đầu tư nhà ở cao tầng. Nhà ở phải gắn với giao thông công cộng.

Chiến lược phát triển nhà ở sẽ gắn với các khu chức năng chuyên ngành như  y tế, giáo dục đào tạo. Trong mỗi khu chức năng sẽ có một tỷ lệ nhà ở để tạo nơi ở tại chỗ cho người làm việc tại khu vực đó nhưng đồng thời cũng có quỹ nhà cho người làm ở khu vực khác để làm cho khoảng cách di chuyển ngắn hơn qua đó giảm được áp lực giao thông cục bộ hoặc nút thắt cổ chai trên toàn thành phố.

PV: Xin cám ơn ông!