Vừa qua, HĐND TP.HCM trên cơ sở cơ chế của Nghị quyết 98, thành phố giao Sở GTVT hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án BOT Quốc lộ 13 để lấy ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư.
Dự kiến dự án sẽ bắt đầu khởi công từ 30/04/2025, đây là tín hiệu mừng cho hàng ngàn người mỗi ngày đi làm về hướng Bình Dương thoát cảnh kẹt xe 3 bận mỗi ngày.
"Đường này hay kẹt xe lắm, một ngày có thể là kẹt xe 3 lần từ lúc 7 giờ, 11 giờ 30 và tầm 5 giờ chiều".
"Con đường này bây giờ mở rộng này quá tuyệt vời, đúng ước nguyện người dân 2 bên đường và những bà con ngoại thành. Ngày ngày người ta đi làm về khổ lắm nhất là hôm nào mưa và đường kẹt nữa thì thôi".
Quốc lộ 13 được đánh giá là tuyến giao thông kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Đoạn đi qua địa bàn TP.HCM chỉ 6km, song suốt 2 thập kỷ qua chưa thể mở rộng, các đoạn “thắt cổ chai” nối liền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cổng chào tỉnh Bình Dương mỗi chiều tan tầm là nỗi ám ảnh kẹt xe. Người dân ví von cảnh những dòng xe kẹt cứng giờ cao điểm không khác nào “cục máu đông”.
Theo ghi nhận phóng viên vào giờ chiều, quốc lộ còn 13 cắt ngang đường sắt Bắc -Nam (đoạn ga Bình Triệu) mỗi khi có tàu hỏa chạy ngang qua lượng xe ùn ứ chật như nêm. Trong khi đó đoạn qua tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6-8 làn xe.
Bà Trần Thị Hậu, một người buôn bán trên con đường này chứng kiến mỗi ngày kẹt xe 3 lần hay tin sẽ mở đường rộng lên 6-8 làn làn xe bày tỏ hy vọng sẽ buôn bán tốt hơn, đời sống bà con được cải thiện:
“Nếu mở rộng đường ra thì người dân đi lại thuận tiện không chịu cảnh kẹt xe nữa, thỏa mái hơn, nhanh hơn chứ như bây giờ hơi chật. Nhiều khi va chạm tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Nếu như không có học sinh hoặc giờ cao điểm đường này cũng bình thường chứ không kẹt lắm. Làm đường thì thuận tiện đi lại thông thoáng có khi người dân làm ăn buôn bán phát triển, các công ty nhà máy xí nghiệp thuận lợi vì kết nối giao thông nhanh hơn.”
Vào 10/2023, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP.HCM nới rộng “nút cổ chai” ở cầu Ông Dầu bằng cách xây thêm nhánh cầu tạm rộng 2m cho xe máy đi từ tư Bình Phước đến quận Bình Thạnh.
Được biết phương án Quốc lộ 13 thi công mở rộng đi trên cao (bằng cầu cạn) có tổng mức đầu tư 19.953 tỷ đồng còn đi dưới thấp (mở rộng đường) khoảng 18.296 tỷ đồng, trong đó 14.619 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng.
Sau khi xem xét, đơn vị tư vấn chọn phương án làm tuyến đi trên cao với quy mô 4 làn xe, phía dưới mặt đường sẽ cải tạo, nâng cấp làm tuyến song hành. Phương án thiết kế đi trên cao được đánh giá sẽ thuận lợi vì tránh giao cắt, tạo sự thông suốt, phù hợp cho việc tổ chức làn đường tốc độ cao.
Ông Trần Minh Hoàng, một trong số 1.149 hộ dân bị ảnh hưởng khi giải tỏa bởi dự án mở rộng quốc lộ 13 cho rằng mở đường là việc tốt, chấp thuận chủ trương. Song vẫn lo lắng không biết đền bù thế nào để có thể tính phương án cho cuộc sống tương lai.
“Mở rộng con đường thì tốt nhưng đó là chuyện Nhà nước, hiện bây giờ chỉ mong sao đường có cống thoát nước thôi. Nếu như nói mở đường 60m thì lấy hết nhà rồi, không còn bao nhiêu để cho phép xây dựng. Ví dụ còn nhiều cho phép chứ ít quá thì sao xây được.
Hy vọng mở đường chiều sâu nhà khoảng 15m và chiều rộng 12m thì nói chung xây được, nhưng không biết mở đường lấy vô bao nhiêu. Giờ chẳng hạn đền bù mở đường thì đợi đến bù mới có tiền mua đất, mua nhà chứ giờ thử nghĩ mua một nhà khoảng 50-60m2 thì cũng khoảng mấy tỉ rồi”, ông Hoàng nói.
Tương tự, ông Lã Văn Lợi (65 tuổi) một người làm việc hằng ngày trên con đường nay cho rằng phải tính toán mở rộng cho câu 20-30 năm sau. Ngày xưa 10 năm trước con đường này không đến nỗi nhưng giờ kẹt quá, nhiều người lao động mỗi chiều về vất vả ông cũng thấy xót xa thay:
“Nhiều khi đô thị mình không theo kịp, mở gấp đôi thì cũng chỉ 10 năm lại kẹt, nếu gấp 3 thì có thể. Cách đây 10 năm đường này cũng vắng teo, vắng ngắt không đông, thậm chí bây giờ các hẻm nhỏ cũng nguy cơ kẹt xe. Rồi thêm các trường học 2 bên đường tan ra thì đường chật như nêm.
Con đường này bây giờ mở rộng này quá tuyệt vời, đúng ước nguyện người dân 2 bên đường và những bà con ngoại thành. Ngày ngày người ta đi làm về khổ lắm nhất là hôm nào mưa và đường kẹt nữa thì thôi. Mình hết tuổi lao động, song thấy xót xa cho người ta mỗi chiều về vậy hoài thì con cái làm sao”.
Đã có rất nhiều giải pháp để giảm áp lực cho tuyến đường huyết mạch này trong nhiều năm qua. Cụ thể nhất là thành phố đã dời bến xe ền Đông ra ngoại thành. Tuy nhiên, phần lớn tuyến đường này kết nối mật thiết giữa TP.HCM và Bình Dương, khu vực này có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp.
Con đường mở rộng sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng với cửa ngõ q về hướng đông bắc giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên theo tuyến quốc lộ 13 – quốc lộ 14.
Người dân mong mỏi dự án mở đường đằng sau đó là câu chuyện mua nhà ở Bình Dương giá rẻ và đi làm ở TP.HCM ở một hiện thực không xa, vì thực tế mua nhà tại TP.HCM quá xa tầm tay người dân.