TP.HCM loay hoay với xe buýt (Bài 1): Lượng khách

Dù chính quyền luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với xe buýt, nhưng thực tế thì sản lượng vận tải của loại hình này liên tục giảm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Xe buýt dàn hàng ngang trên đường Cách mạng tháng Tám

Theo báo cáo mới nhất của ngành giao thông, sản lượng xe buýt 10 tháng năm 2019 lại tiếp tục giảm so với năm ngoái và dự báo năm 2019 sẽ giảm so với năm 2018. Vậy, các ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh phải làm gì để chặn đà giảm và thu hút người dân quay lại với loại hình giao thông này.

Không thể phủ nhận là những năm qua TPHCM đã có nhiều nỗ lực để thay đổi diện mạo trong vận chuyển hành khách bằng xe buýt. Tuy nhiên, loại hình vận tải này đến nay vẫn còn nhiều trở ngại trong phát triển, đó là: Nhiều tuyến bố trí không hợp lý, nhiều phương tiện cũ kỹ, tình trạng mất an ninh, an toàn…Và nhất là sinh viên không mặn mà với xe buýt vì nhiều nguyên nhân.

Hàng rong lấn ra bến xe buýt

Bạn Ngọc Châu, sinh viên Đại học Sài Gòn cho rằng: "Em hay đi xe buýt số 56. Tuy nhiên em thường trễ học vì đường xá đông. Một số nhân viên, tiếp viên hơi khó chịu. Ngoài ra, họ còn nhồi nhét rất nhiều khách".

Còn sinh viên Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết: "Ngày nào đi học em cũng đi xe buýt. Em đi chuyến 45, chuyến này buổi chiều thường kẹt xe ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Em chờ xe buýt lâu mà một số chuyến có tài xế bỏ qua luôn khi người ta kêu dừng".         

Bến xe buýt thành nơi đổ rác...

Không chỉ bỏ tuyến, nhồi nhét khách mà cách ứng xử của tài xế, phụ xe cũng khiến người dân ngại đi xe buýt. Bạn Mai Bảo Trân, học sinh trường Trung học thực hành – Đại học Sư phạm TP.HCM nói: "Tài xế đã trễ chuyến rồi nhiều khi khách đông quá nên nổi nóng còn la lại khách nữa. Dúng là tài xế nhiều lúc đi làm mệt mỏi, nhưng cũng nên kiềm chế và có thái độ lịch sự với khách hơn".

Song song đó, tình trạng mất an ninh trật tự, vấn nạn móc túi diễn ra như cơm bữa ở một số tuyến xe buýt cũng khiến nhiều người bất an. Một sinh viên thường đi trên tuyến xe buýt từ Suối Tiên vào trung tâm TP.HCM kể, có lần chứng kiến cảnh móc túi trên xe buýt nhưng đành làm ngơ vì nhóm người này nhìn rất hung hãn. Rồi chuyện bị quấy rối kiểu “va chạm vô tình” hoặc thậm chí là cố tình đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của phụ nữ…

...nên xe buýt phải dừng đón ở ngoài đường dễ xảy ra tai nạn

Đó là với khách hàng, còn với các tài xế, thì cường độ làm việc từ 14 -16 tiếng một ngày trong điều kiện giao thông ở TP.HCM luôn căng thẳng cũng là một áp lực rất lớn. Anh Phạm Hữu Tiến, lái xe buýt tuyến 53 cho biết ngày nào mình cũng gặp tình huống dễ xảy ra cự cãi, thậm chí là có nhiều người đi đường có hành vi khiêu khích như tạt đầu, đi chậm chặn xe buýt, có lời nói và hành vi khiếm nhã…

Anh Tiến nói: "Thời gian làm việc căng thẳng dài quá. Thêm nữa là áp lực đường xá, lưu lượng phương tiện lưu thông quá nhiều, còn hành khách thì không sao hết. Xe buýt mình cũng có ý thức, không có chèn ép người đi đường nhưng họ nói mình chèn ép hoài. Họ không hiểu và kiếm chuyện với anh em tài xế hoài, họ quay lại chửi đủ thứ kiểu".

Xe buýt tại TP.HCM đang trong vòng vây kiềm toả sự phát triển

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các loại hình xe công nghệ với nhiều ưu điểm và khuyến mãi rầm rộ dẫn đến một phần không nhỏ hành khách từ bỏ xe buýt để chuyển sang lựa chọn loại hình này thay thế, dù rằng giá thành cao hơn.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng: "Hành khách có xu hướng sử dụng các loại dịch vụ này cho các chuyến đi ngắn do sự tiện lợi cơ động và có giá thành tương ứng xe buýt. Số lượt hành khách tham gia sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tăng từ 20,8 triệu lượt năm 2016 lên 191,5 triệu lượt, tăng  9,2 lần đã tác động không nhỏ".

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, 7 tháng trong năm 2019 đã có đến hơn 333 ngàn chuyến xe bị trễ trên 15 phút. Trong 11 tháng của năm 2019, khối lượng vận tải buýt ước đạt 229,6 triệu lượt hành khách, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước (267,6 triệu lượt hành khách).

Như vậy có thể thấy rằng, hiện trạng phát triển xe buýt của TP.HCM là một bức tranh ảm đạm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân đang quay lưng lại với loại hình vận chuyển công cộng này.

Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ thông tin về một số giải pháp mà TP.HCM đang loay hoay giải bài toán phát triển xe buýt./.