TP.HCM: Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ chưa làm được như kỳ vọng

VOVGT – Hiệu quả chưa cao sau 1 năm thực hiện “chiến dịch" lập lại trật tự lòng đường vỉa hè nhằm lấy lại lối đi bộ, làm xanh, sạch, đẹp, trung tâm thành phố.

Vẫn còn nhiều tuyến đường bị tái lấn chiếm khi không có lực lượng tuần tra nhắc nhở 

Sau những lần ra quân ồ ạt giành lại vỉa hè của lực lượng chức năng, các tuyến đường ở Quận 1 đã sạch đẹp và thông thoáng hơn trước.

Các lần ra quân với sự dẫn đầu của Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến 23 quận, huyện của thành phố. Việc làm này được nhiều người khen, đồng thuận, nhưng cũng không ít người chê, phản ứng rất gay gắt.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì nỗ lực chấn chỉnh lại vỉa hè ở "khu đất vàng" trung tâm thành phố gặp rất nhiều khó khăn, bởi nó làm tổn hại đến lợi ích của rất nhiều người kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Bà Lưu Lê Bích Phượng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 chia sẻ, việc tái lấn chiếm vỉa hè mua bán đa phần rơi vào những hộ không phải là người dân của Quận 1, mà ở các quận khác sang.

Vì vậy việc tuyên truyền, nhắc nhở cho người dân rất khó khăn, họ không sống ở Quận 1 nên tiếp nhận tuyên truyền nhắc nhở trong dân cư rất ít, họ chỉ bán thời gian rất cơ động khoảng 2-3 tiếng là rời khỏi địa bàn.

Nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề này làm sao để tránh tình trạng tái chiếm và tạo được sự đồng thuận, chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, phương pháp dẹp vỉa hè đã có sự thay đổi. Sau khi tạm ngưng việc ra quân ồ ạt của đoàn liên ngành, sẽ giao cho chính quyền các phường chịu trách nhiệm, chính sách sử dụng vỉa hè từng tuyến đường được Quận 1 tuyên truyền rộng rãi, công bố cho người dân biết để họ tự nguyện, hạn chế.

Song song với việc ra quân xử lý chấn chỉnh, bước đầu chính quyền cũng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho 300 hộ mưu sinh kiếm sống trên vỉa hè có việc làm, thu nhập ổn định. Sắp xếp lại các hộ kinh doanh truyền thống, có món ăn đạt yêu cầu vào 2 khu kinh doanh ẩm thực có thời gian trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp.

Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Phường Bến Thành, Quận 1 chia sẻ: “Tại khu thí điểm kinh doanh có thời gian, quận sẽ tập trung bà con lại đây, mặt bằng thì quận lo, xe bán hàng quận lo, tất cả những vật dụng hộp xốp, muỗng đũa quận lo hết. Bà con chỉ đứng bán thôi, thời gian hoạt động vừa qua thấy tương đối tốt, bởi vì những hộ bán được nhiều gấp đôi so với bán hàng rong mà không phải nơm nớp lo chạy”.

Trước mắt, tình trạng bán hàng rong trên các tuyến đường đã giảm đáng kể, tuy nhiên trong số 134 tuyến đường ở Quận 1, vẫn còn hàng chục tuyến đường, vỉa hè tiếp tục bị trưng dụng để họp chợ, đậu xe, giữ xe, kinh doanh quán nhậu... Chỉ cần lực lượng chức năng ngưng kiểm tra thường xuyên thì một số khu vực lại tái diễn cảnh vỉa hè nhếch nhác.

Ông Trần Đình Minh, người dân Quận 1 cho rằng, “Tôi nghĩ ra quân ồ ạt tuyên bố chỉ trong 1 năm lập lại trật tự lòng lề đường nhưng chuyển biến thật sự chưa đủ, để bền vững thì sự chủ động của người dân mới quan trọng, một khi ý thức tham gia của người dân chưa cao thì tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn”.

Một năm nhìn lại việc chấn chỉnh trật tự đô thị tại khu vực trung tâm, chính quyền Quận 1 và thành phố vẫn còn nhiều điều phải làm, nhất là khung pháp lý để xử lý tình trạng vi phạm. Để việc lập lại trật tự lòng đường vỉa hè bền vững, cần nhất vẫn là giải quyết hài hòa giữa lợi ích và nhiệm vụ giữa chính quyền với người dân. Dẹp vỉa hè phải để người dân thích nghi, tự giác thu xếp cuộc sống. Làm sao để người dân tự ý thức hơn là để người dân sợ; làm quá mức, quyết liệt quá mức chắc chắn sẽ gây nên nhiều tác dụng ngược.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 cho biết: Quận 1 vẫn duy trì việc kiểm tra, xử lý và mặc dù không ra quân liên tục nhưng lãnh đạo quận sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất kể cả đêm khuya hay thứ 7, chủ nhật. Đến thời điểm này, Quận 1 đã công bố phương pháp dẹp vỉa hè, chính sách sử dụng vỉa hè cho người dân biết, qua đó để người dân tự nguyện thực hiện.

Trong 134 tuyến đường trên địa bàn thì có 40 tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè dưới 3 mét, có 6 tuyến không có vỉa hè. Nhiều tuyến vỉa hè lề phải, lề trái diện tích vỉa hè khác nhau, cho nên trong quản lý thì chúng tôi cũng phải có phương án thật cụ thể, chấm chọn từng con đường và có những quy định để làm sao bà con hiểu một cách công khai, nh bạch và chấp hành theo những quy định đó.

Không chỉ riêng Quận 1 mà một số quận, huyện tại TPHCM cũng thừa nhận, việc xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè thời gian qua chưa căn cơ, bài bản, đặc biệt là khung pháp lý còn thiếu. Nếu không có sự quyết liệt, đồng bộ, phối hợp của nhiều quận, huyện thì hiệu quả của việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè khó có thể đạt được kết quả, bền vững như mong đợi./.