TP.HCM: 59 bệnh viện tư nhân tham gia chống dịch, chuẩn bị các biện pháp mạnh hơn

Dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca bệnh ở mức rất cao, có những ngày trên 5.000 ca, trung bình khoảng 3.000 ca/ngày. 

Vingroup mượn 5.000 liều vaccine

Sáng 25/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống, dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COIVD-19 TP cho biết: Thời gian qua, số lượng ca F0 phát hiện trong các khu phong tỏa, cách ly chiếm đa số, có những ngày, chiếm hơn 70% số ca mới. Do đó, phải “đảm bảo kỷ cương tại khu phong tỏa, giãn cách”.

Liên quan đến việc cho Tập đoàn Vingroup mượn 5.000 liều vaccine, ông Dương Anh Đức cho biết, Vingroup là một trong những đơn vị tài trợ cho việc chống COIVD -19 ở Việt Nam và TP.HCM, trong đó có quỹ mua vaccine COIVD -19. Tập đoàn này cũng đã tài trợ hơn 2.000 máy thở chức năng cao – thiết bị mà TP rất cần. 

Tập đoàn Vingroup có tiêu chuẩn vaccine, nhưng chưa sẵn sàng, nên đã đề nghị TP hỗ trợ 5.000 liều để tiêm khẩn cấp cho các lực lượng đang tham gia chống dịch tại TP.HCM trong các khâu. 

Xét yêu cầu thực tế, nên TP đã xét cho Vingroup được mượn trước và để Bệnh viện Vinmec tiến hành tiêm. Ông Đức khẳng định, “đây là việc hợp lý, hợp tình và phục vụ trực tiếp cho hoạt động chống dịch của TP.HCM”.

59 Bệnh viện tư nhân tham gia chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP cũng đã thành lập BV Hồi sức 1.000 giường tại TP.Thủ Đức. Bên cạnh đó, TP.HCM đã huy động các lực lượng y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch. 

“Hệ thống y tế tư nhân tham gia rất tích cực, 59 bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP và 200 phòng khám tư nhân đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia các đợt hỗ trợ tiêm vắc xin trên địa bàn TP”, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, theo lời kêu gọi của TP, nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong hệ thống y tế, bác sĩ về hưu đã tham gia công tác phòng, chống dịch của TP. Hiện, TP có gần 50.000 giường điều trị F0 tại 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức, nhu cầu 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng. Theo kế hoạch, TƯ sẽ bổ sung 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, giảng viên, sinh viên các trường Đại học, tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, lực lượng này đang được phân bổ lại. 

Hiện TP có 15.000 nhân sự chuyên về Y tế đang thực hiện công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh phòng chống COVID-19, trong đó có hơn 4.000 nhân sự tăng cường từ TƯ và các tỉnh bạn. 

Chuẩn bị cho tình huống số 3

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính từ ngày 31/5, TP đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều mức độ khác nhau, và bây giờ vẫn tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 với biện pháp tăng cường hơn, siết chặt hơn, nâng cao hơn. Tuy nhiên, tình hình dịch ở TP vẫn diễn biến phức tạp và chưa dừng lại.

Nhận định tình hình hiện tại, ông Phan Văn Mãi cho rằng, thời hạn giãn cách theo Chỉ thị 16 tăng cường trong thời gian đến ngày 1/8, tuy nhiên, cũng có thể có độ trễ nhất định, và có thể trong 2 tuần thực hiện nghiêm, để đảm bảo các biện pháp phát huy tác dụng trên thực tế.

“Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, TP chuẩn bị khởi động cho tình huống 3 (thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ứng phó với tình hình) mặc dù không mong muốn. Việc này các cơ quan chức năng và người dân TP cũng phải có tâm thế chuẩn bị” – Ông Mãi khuyến cáo.