Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý tội phạm, TS. Đoàn Văn Báu về nội dung này.
PV: Ông có đánh giá thế nào về sự manh động của tội phạm bắt cóc tống tiền?
TS. Đoàn Văn Báu: Bắt cóc trẻ em ở Việt Nam không phải là hiếm, địa bàn Hà Nội xảy ra 2 vụ vừa rồi là các đối tượng rất manh động. Nguyên nhân là túng thiếu tiền bạc, nhưng túng thiếu tiền bạc không có nghĩa là sẽ làm liều.
Đến nay, cơ quan điều tra chưa công bố kết luận nhưng có thể thấy rằng tình tiết tương đối rõ ràng. Những vụ việc liên tiếp xảy ra một là do động cơ cá nhân, nhưng mà hai cũng là do ảnh hưởng của cơ chế “ám thị xã hội”. Tức là xảy ra những vụ bắt cóc như vậy, rất nhiều thông tin đăng tải, khi một người gặp tình trạng túng quẫn thì họ bị ám thị.
Ví dụ như cô giúp việc này có thể đã xem vụ bắt cóc tống tiền trước đây, đã bị ảnh hưởng, khi thấy mình có hoàn cảnh, điều kiện thực hiện hành vi bắt cóc như vậy thì đã thực hiện hành vi.
PV: Vậy người dân cần phải làm gì để đối phó với tội phạm?
TS. Đoàn Văn Báu: Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ thôi, sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái, nhất là con nhỏ thì càng phải quan tâm hơn nữa, chứ không thể nào giao cho bất kỳ một người nào khác.
Dạy kỹ năng cho con cái và ngay cả cha mẹ cũng phải có kỹ năng đẻ bảo vệ con cái, không chủ quan, dù công việc có bận rộn đến thế nào. Khi tìm người giúp việc hoặc bất cứ ai có liên quan an toàn của con em mình thì cần rất thận trọng để nắm rõ thông tin.
Khi xảy ra sự việc đối tượng gọi điện tống tiền, một mặt chúng ta phải khéo léo thương lượng với đối tượng bắt cóc, mặt khác chúng ta phải báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn tính mạng cho con em, đồng thời bảo vệ được tài sản của mình.
Điều thứ hai, tôi muốn nhắn nhủ những người đang gặp khó khăn. Tất cả vụ bắt cóc tống tiền ở Việt Nam gần như 100% không thành công và để lại những hệ lụy đau lòng cho cả đối tượng và gia đình nạn nhân. Do đó, khi gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta không nên nghĩ đến hành vi tiêu cực.
PV: Còn với cơ chế “ám thị xã hội”, chúng ta cần làm gì để giảm tác động tiêu cực?
TS. Đoàn Văn Báu: Tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì có rất nhiều đối tượng hướng đến việc làm tiêu cực. Ví dụ, chúng ta biết có những hội nhóm chuyên đi vay và “bùng” nợ, thậm chí có những thanh niên lập hội nhóm để đi cướp, hoặc thời gian trước cướp tiệm vàng thì nó xảy ra liên tiếp vài vụ. Bắt cóc cũng như vậy.
Chúng ta rất khó ngăn chặn truyền thông trên mạng xã hội khi xảy ra vụ việc. Báo chí khai thác quá nhiều vào một hiện tượng thì cũng tác động đến tâm lý chung của xã hội. Do đó, trong định hướng báo chí, chúng ta cũng nên đưa tin vắn tắt thôi, không nên đưa tin dồn dập hay khai thác thông tin một cách thái quá. Ý thức của người dân cũng như vậy, rất nhiều người muốn câu view, câu like cũng sẽ liên tục đăng tải. Nên về ý thức người dùng, với những sự việc như vậy thì chúng ta không nên chia sẻ quá nhiều thông tin đó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người có hành vi bắt cóc trẻ em tùy theo mục đích, tình tiết thực hiện có thể cấu thành một trong 4 tội danh: tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); tội bắt cóc con tin (Điều 301).
Trong đó, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất, từ 15 - 20 năm tù hoặc tù chung thân. Nếu đối tượng chủ đích ra tay sát hại nạn nhân thì phạm thêm tội giết người. Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, với hành vi giết người, nạn nhân là trẻ em thì kẻ gây án sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng, hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Liên quan vụ bắt cóc, sát hại bé gái 21 tháng tuổi, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, quê Bắc Giang) về tội “Giết người”. Chiều tối 21/9, lực lượng chức năng phát hiện một thi thể nữ giới giống với Giáp Thị Huyền Trang ở sông Đuống và đang thực hiện các công tác giám định, khám nghiệm trước khi đưa ra kết luận./.