Tinh giản bộ máy

Chính phủ đang trong quá trình nỗ lực tinh gọn bộ máy, với mục tiêu nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Chính sách này nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng cũng còn những vướng mắc nội tại phải đủ “dũng cảm” để giải quyết…

Cơ quan tôi vừa tiếp nhận một số đồng nghiệp từ một đơn vị nội bộ dừng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, đây lại là điều may mắn cho cả hai phía, vì đúng lúc chúng tôi cần thêm những phóng viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề để triển khai một dự án mới đầy tâm huyết.

Những phóng viên ấy, có người có tới hàng chục năm kinh nghiệm, sẽ ngay lập tức có thể bắt nhịp và thực hiện những chương trình theo yêu cầu của lãnh đạo ngay. Bởi nếu như lựa chọn các bạn phóng viên trẻ, tuy có nhiều lợi thế về độ tuổi nhưng lại thiếu đi những kinh nghiệm cần thiết.

Tất nhiên, trong số những phóng viên mới của cơ quan tôi sẽ có cả người nhiều tuổi và trẻ tuổi. Sự bổ sung cho nhau là điều tuyệt vời…

Nhưng liệu ở những cơ quan khác, việc tinh giản bộ máy có thực sự giải quyết được vấn đề? Chỉ lo rằng, lại lâm vào tình trạng “đánh bùn sang ao”. Giải thể đơn vị này thì con người lại được điều sang đơn vị khác. Bớt được một cái tên phòng ban thì số lượng người ở phòng ban còn lại lại tăng lên gấp đôi, gấp ba…

Gánh nặng ấy, ai phải chịu? Như thế thì có khác gì chỉ tinh giản trên giấy tờ?

Hoặc có trường hợp vận động lao động về hưu trước tuổi, nhưng “vô tình” lại mất đi nguồn lực chất xám của những cán bộ kinh nghiệm, giỏi giang đang còn rất nhiều thời gian và trí tuệ để cống hiến cho công việc. Sự trống vắng nhân sự ấy, liệu những người còn lại có đủ sức để lấp đầy trong khoảng thời gian ngắn, hay sau một thời gian lại phải tuyển người đủ năng lực chuyên môn về thay thế?

Việc tinh giản biên chế, là một bước đột phá của Chính phủ trong điều kiện nhiều cơ quan nhà nước đang thực sự hoạt động một cách “cồng kềnh” như hiện nay. Sự cồng kềnh ấy như kết luận tại các cuộc họp của Quốc hội, Chính phủ đã khiến người dân gặp khó khăn, vấp phải nhiều thủ tục giấy tờ khi phải đến làm việc.

Một việc nhỏ nhưng lại cần tới rất nhiều giấy tờ, phòng ban, nhân sự xem xét, giải quyết, mất rất nhiều thời gian.

Người dân mất rất nhiều thời gian và phải hoàn thành nhiều loại giấy tờ khi có việc cần tới chính quyền địa phương để giải quyết công việc (ảnh nh hoạ)

Việc “vận động” người lao động về hưu trước tuổi trên thực tế không phải là điều đơn giản. Những người năng lực vừa phải, làm việc đã quá lâu trong cơ quan nhà nước, đã quen với công việc ấy, họ rất khó để từ bỏ công việc, bởi họ sẽ không biết làm việc gì khác khi ra ngoài.

Từ đó gây ra những tâm lý e ngại, không dám vượt qua áp lực để dũng cảm làm đơn xin nghỉ việc. Nhưng nếu không thuộc diện tinh giản bắt buộc, khó có đơn vị nào “dám” sa thải những cán bộ lâu năm, “lão thành” ấy…

Vậy là người yếu thì vẫn ở lại. Số cán bộ dễ phải ra đi hơn là những người trẻ, hợp đồng ngắn hạn, những người mới đi làm một thời gian. Tuy sức lực dồi dào, tiềm năng cống hiến hứa hẹn nhưng sẽ không được lựa chọn làm người ở lại…

Như thế, chúng ta sẽ lại một lần nữa mất đi thêm những “chất xám” tiềm năng, có thể cống hiến lâu dài hơn.

Đó là những mâu thuẫn, thiết nghĩ, cần phải nghiên cứu giải quyết ở thời điểm hiện tại khi chúng ta thực hiện việc tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Có người bảo, vậy thì phải chọn được đúng người cần ở lại và yêu cầu những người yếu kém ra đi. Như thế mới thực hiện được việc tinh giản và làm mạnh bộ máy còn lại. Nhưng chỉ đơn cử như việc xuề xoà trong bình bầu lao động cuối năm, hay thậm chí là tiến cử cán bộ vào vị trí tiềm năng lãnh đạo tương lai, hoặc Đảng viên… ở nhiều chỗ, nhiều nơi vẫn còn quá dễ dãi, cả nể đã khiến “lựa chọn nhầm” những người không xứng đáng.

Đừng vì không dám nhìn vào sự thật mà phủ nhận điều này. Bởi trên thực tế, chúng ta đã phải trả giá một cách đau lòng khi chứng kiến những cán bộ cấp cao phải vướng vòng lao lý vì tham nhũng, vì thiếu trách nhiệm trong công việc, trong quản lý; gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho đất nước.

Trở lại với việc “tinh giản”, có lẽ người lãnh đạo một đơn vị phải đủ dũng cảm để loại bỏ những người không còn phù hợp với bộ máy, nhưng phải dũng cảm và sáng suốt hơn khi giữ được những lao động tốt, tài năng ở lại, đồng thời phát huy được khả năng của họ cho công việc, sự nghiệp chung…