Tín hiệu thắt chặt của FED và biến thể Omicron đang gây sức ép lớn lên thị trường kim loại

Các mặt hàng kim loại quý có tuần thứ ba liên tiếp kết thúc trong sắc đỏ. Giá bạc và bạch kim đồng loạt giảm gần 3% về lần lượt là 22.44 USD/ounce và 926.2 USD/ounce.

KIM LOẠI

Các mặt hàng kim loại quý có tuần thứ ba liên tiếp kết thúc trong sắc đỏ. Giá bạc và bạch kim đồng loạt giảm gần 3% về lần lượt là 22.44 USD/ounce và 926.2 USD/ounce. Trước các tín hiệu thắt chặt sớm của FED, triển vọng của thị trường kim loại quý đang trở nên rất tiêu cực khi đồng USD ngày càng có giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, biến thể Ocron đang là một rủi ro lớn đối với các thị trường đầu tư tài chính trên toàn cầu, trong đó có bạc và bạch kim. Dòng vốn trú ẩn cũng quay trở lại với trái phiếu, do mức lợi suất hấp dẫn hơn so với các mặt hàng kim loại quý. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm mạnh hơn 8% về 1.36%

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, diễn biến trái chiều vẫn được duy trì trong tuần vừa qua. Giá đồng cũng có tuần thứ 3 liên tiếp giảm sau khi giằng co mạnh trong tuần, và hiện đang ở mức 4.267 USD/pound. Triển vọng tiêu thụ của đồng bị ảnh hưởng khá nhiều do đồng USD tăng giá và đặc biệt là sự lây lan của biến thể Delta.

Bên cạnh đó, các chính sách chống dịch của Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và làm giảm nhu cầu tiêu thụ với đồng. Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục tăng gần 6% lên 101.6 USD/tấn. Thị trường hồi phục chủ yếu nhờ lực bắt đáy, tuy nhiên, đà tăng của giá sắt đang chững lại và tích lũy xung quanh mức 100 USD/tấn.

CÔNG NGHIỆP

Phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Cà phê cùng ca cao là những mặt hàng duy nhất giữ được đà tăng trong tuần qua. Giá Arabica giằng co rất mạnh trong tuần rồi kết thúc với mức tăng nhẹ 0.2% lên 243.4 cents/pound. Giá Robusta tiếp tục bứt phá mạnh mẽ 3.4% lên mức đỉnh 10 năm mới là 2386 USD/tấn. Thị trường Robusta hiện đang được hỗ trợ nhiều hơn, khi mà mức chênh lệch giữa hai Sở được nới rộng nhiều do giá Arabica tăng quá mạnh trong tuần trước đó.

Đồng thời, lũ lụt và sạt lở ở Tây Nguyên, khu vực sản xuất Robusta chính của Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới 20 ha trồng cà phê, và khiến cho rất nhiều người dân phải sơ tán, làm chậm trễ quá trình thu hoạch của Việt Nam. Bên cạnh đó, những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng vẫn còn tồn tại và khiến cho các lô hàng cà phê khó tới tay người tiêu dùng, và làm cho mức dự trữ trên Sở ICE US giảm mạnh.

Vì thế, thị trường cà phê vẫn đang có được động lực để tăng giá trong ngắn hạn, tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Ocron có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng này.

Giá bông giảm mạnh gần 7% về 104.2 USD/tấn. Việc các quỹ nắm giữ quá nhiều vị thế mua tạo ra áp lực thanh khoản, nên các quỹ phải tất toán một phần vị thế để tránh rủi ro quá lớn. Bên cạnh đó, việc đồng USD đang neo ở mức giá cao cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với bông vì đây là mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ.

Hai mặt hàng đường đồng loạt giảm mạnh trong tuần vừa qua với giá đường 11 giảm 3.1% còn 18.75 cents/pound, giá đường trắng giảm 2.9% còn 486.9 USD/tấn. Thị trường đường đánh mất xu hướng tăng do sự sụt giảm của giá dầu thô. Nguồn cung đường trong thời gian tới có thể tăng lên do lượng mía dùng để sản xuất ethanol giảm.