Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT đường sắt đoạn qua huyện Thanh Liêm (Hà Nam)

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nhiều năm qua được coi là một trong những "điểm đen" tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn g

Một số người tham gia giao thông cố tình băng qua khi tàu đang đến gần nên nhiều đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã trở thành những "điểm đen" về tai nạn giao thông

Một số hộ dân sống dọc hai bên đường cố tình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là các hộ kinh doanh đá cảnh, dựng non bộ với khối lượng sản phẩm, vật liệu lớn, các khối đá nặng hàng tấn thường xuyên được các hộ dân vận chuyển ngang qua hoặc đặt ngay gần đường sắt. 

Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cho biết: Mặc dù UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền vận động và dùng các biện pháp khác nhưng do mưu sinh nên người dân vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh đá, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Không chỉ lấn chiếm hành lang đường sắt, một thực trạng nhức nhối trên địa bàn tỉnh Hà Nam là tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm đường ngang dân sinh. Nguyên nhân do người tham gia giao thông không chú ý, quan sát kỹ biển báo tàu hỏa; khoảng cách hành lang giữa đường bộ và đường sắt quá gần, trong khi theo quy định khoảng cách đảm bảo an toàn phải là 15m.

Do vậy, một số người tham gia giao thông cố tình băng qua khi tàu đang đến gần nên nhiều đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã trở thành những "điểm đen" về tai nạn giao thông. 

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn tỉnh Hà Nam có chiều dài là 31,25km, đi qua 4 huyện và thành phố gồm: Duy Tiên, Phủ Lý, Thanh Liêm, Bình Lục, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý dứt điểm.

Tuyến đường sắt này song song với đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 21, qua các khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp có tốc độ đô thị hóa cao, người dân bám mặt đường để kinh doanh, sinh sống dẫn đến phát sinh nhiều giao cắt đường bộ - đường sắt và nhiều vi phạm. Trong tổng số giao cắt hiện có là 255 có 33 đường ngang hợp pháp, 222 lối đi tự mở qua đường sắt.

Để giải quyết triệt để vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng như các lối mở thì cần phải xây dựng đường gom và hàng rào cách ly đường sắt với khu dân cư

Trong số này, có tới 4 "điểm đen" tai nạn giao thông, 11 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt. Cùng đó, 9 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đã tồn tại nhiều năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, giải tỏa nhưng vẫn tái phạm. Đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Theo ông Hoàng Minh Mẫn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn, Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh, việc giải tỏa vi phạm hành lang cũng chỉ là giải tỏa những điểm nóng tức thời. Để giải quyết triệt để vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng như các lối mở thì cần phải xây dựng đường gom và hàng rào cách ly đường sắt với khu dân cư.

Cũng theo đại diện Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh, khó khăn lớn nhất hiện nay xuất phát từ việc công ty không có chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Diện tích đất nằm trong hành lang đường sắt có phạm vi rộng, trải dài trên nhiều địa bàn, do quá trình đô thị hóa dọc hai bên đường sắt, nhiều vị trí có lợi thế về kinh doanh đã bị lấn chiếm.

Khi phát hiện hành vi lấn chiếm, công ty đã nhiều lần ra văn bản thông báo với chính quyền địa phương và báo cáo cơ quan chức năng để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt ở nhiều địa bàn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, tình trạng vượt gác chắn, qua đường ngang không quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới… là những vi phạm thường thấy tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.

Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần sớm đẩy mạnh phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, kiên quyết chấm dứt hoạt động với các lối đi bất hợp pháp và gắn trách nhiệm quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục các quy định về an toàn giao thông đường sắt cũng cần tiếp tục đổi mới, việc đưa nội dung, quy định liên quan an toàn giao thông đường sắt vào giáo dục trong các nhà trường cần tiếp tục được phát huy.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu các vụ tai nạn, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn, lực lượng chức năng cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.../.