Thực phẩm ít đường: Cần cơ chế khuyến khích

Dinh dưỡng không lành mạnh, sử dụng quá nhiều đường (bên cạnh muối và chất béo) là một những nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh không lây nhiễm.

Vậy để nâng cao sức khỏe cộng đồng và người dân, thì cần có những chính sách để kiểm soát và hạn chế người dân sử dụng quá nhiều đường. 

Ảnh nh họa: Dân trí

Theo số liệu thống kê của Bộ y tế, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường…

Việt Nam có khoảng 7 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường và số lượng người mắc bệnh này đang gia tăng nhanh chóng và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Trong đó, hơn 55% bệnh nhân có biến chứng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh… , là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và làm gia tăng gánh nặng về y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại các đô thị cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Theo một nghiên cứu của PGS,TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) ở nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi năm học 2020-2021, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng từ 8,5% lên 19%.

Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng quá nhiều đường so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và sử dụng nhiều đường kéo dài có thể là một trong những nguyên nhân gây  các bệnh không lây nhiễm như các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư,… Trong khi đó, người dân đang có xu hướng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có tác động đến sức khỏe, doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thì đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng một chính sách và những giải pháp về nội dung này.

Trước hết, Chính phủ cần ban hành chính sách, định hướng rõ ràng trong việc ưu tiên vấn đề sức khỏe cộng đồng hay phát triển kinh tế.  Các chính sách được đưa ra phải đảm bảo mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.

Ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02 phê duyệt Chiến lược về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1294 phê duyệt kế hoạc hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dường. Theo đó, xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em. Đồng thời, Bộ y tế cũng ban hành Thông tư số 29 về hướng dẫn nội dung cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

Nước ngọt chứa hàm lượng đường rất lớn. Ảnh nh họa: Tofubud

Vấn đề đặt ra để làm sao triển khai thực thi những chính sách, văn bản của Chính phủ, ngành y tế đưa ra sao cho hiệu quả?

Theo đó, xem xét bổ sung các quy định cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, thực phẩm phải ghi rõ thông tin về hàm lượng đường tự do có trong thực phẩm. Việc công bố công khai, nh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của họ. Song song với đó, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, ngành y tế và công thương cùng nhau phối hợp xây dựng một hệ thống các sản phẩm thực phẩm với nhiều tiêu chí để phân loại thực phẩm theo các nhóm thực phẩm lành mạnh, ít lành mạnh và hạn chế tiêu thụ. Việc dán nhãn các sản phẩm theo từng loại cũng là cách để người dân dễ dàng nhận diện sản phẩm.

Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các thực phẩm có gốc tự nhiên, lành mạnh tốt cho sức khỏe, Chính phủ, ngành công thương cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho và những cơ chế khuyến khích phù hợp. Đồng thời, sử dụng công cụ thuế để kiểm soát và hạn chế các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm sử dụng quá nhiều đường, có tác động không tốt đến sức khỏe người dân.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người dân về tác dụng của tiêu dùng những thực phẩm ít đường, có gốc tự nhiên đối với sức khỏe và ngược lại.

Điều quan trọng, người đứng đầu các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống cần thay đổi nhận thức đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng, đặt quyền lợi, sức khỏe của cộng đồng lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cùng với sự thay đổi về xu hướng của người tiêu dùng và xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững của mỗi quốc gia, thì các doanh nghiệp cũng cần tính đến xem xét thay đổi về công nghệ, công thức và chuyển dịch sang sản xuất ra những thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng.

Điều này, vừa giúp cho các quốc gia giảm gánh nặng bệnh tật y tế, kiểm soát sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm vừa là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.