Thiếu vắng hàng rào kỹ thuật răn đe tài xế uống rượu bia lái xe

Một số ý kiến cho rằng, dù mức xử phạt hành chính đã tăng lên rất cao, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu chế tài để tăng tính răn đe với những người lái xe sau khi uống rượu bia. Cụ thể là hình sự hóa hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, xử phạt nặng đến mấy cũng đều là nhẹ so với mạng người. Việc đưa ra các chế tài răn đe là cần thiết, nhưng xử lý khi sự việc đã xảy ra rồi vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vấn nạn “ma men sau tay lái” cần cơ chế phòng ngừa trước khi tai nạn xảy ra, với mục tiêu không phải là thống kê xử phạt, mà là kéo giảm tai nạn và số người thương vong.

Vào năm 2020, các nhà làm luật đã có một bước tiến lớn là quy định cứ lái xe sau khi uống rượu bia, dù chỉ một giọt, đều sẽ bị xử phạt. Điều khoản này đã đặt một ranh giới rõ ràng: Uống nhiều hay uống ít thì đều có tác hại tới sức khỏe, sự tập trung, tỉnh táo khi điều khiển phương tiện giao thông.

Nhận thức của người dân đã và đang có những chuyển biến tích cực, nhưng không phải là tất cả. Vấn còn một bộ phận bất chấp các quy định pháp luật, quy tắc an toàn giao thông. Nhờ có chút địa vị xã hội, cậy quen biết, họ tự cho mình đứng ngoài các chuẩn mực xã hội.

Và chừng nào việc xử phạt vẫn còn sự can thiệp của con người, chừng đó vẫn còn những cuộc điện thoại xin bỏ qua lỗi vi phạm, vẫn còn tư tưởng chủ quan, sai chưa chắc đã bị phạt.

Ảnh nh họa

Giải pháp tận gốc đương nhiên là ý thức của mỗi cá nhân. Nhưng chỉ dựa vào điều đó thì chưa thể hình thành được ngay, và ý thức cá nhân thì cũng không bền vững, có lúc cũng bị chất kích thích làm yếu lòng, thay đổi. Giải pháp tuyên truyền chúng ta đã và đang làm tốt, khi kêu gọi vai trò của cả người vợ, người bạn nhậu, thủ trưởng cơ quan, quản lý và nhân viên quán nhậu về việc nhắc nhở, khuyến cáo với người uống.

Một điểm yếu tại Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng, đó là khả năng tiếp cận rượu bia. Các hoạt động quảng cáo, điểm mua bán có mặt ở khắp mọi nơi, hàng quán mọc lên như nấm xung quanh khu dân cư tạo điều kiện tiêu thụ dễ dàng cho người dân, kể cả người chưa đủ tuổi.

Các công cụ kỹ thuật sử dụng công nghệ, máy móc để hạn chế sự can thiệp, chỉnh sửa từ con người cũng đang thiếu vắng. Các hàng quán kinh doanh dịch vụ rượu bia là điểm khởi đầu của rất nhiều “chiếc bom nổ chậm” trên đường là các ma men. Tuy nhiên, không thể dựa vào các chốt kiểm soát vốn lực lượng mỏng và hạn chế về thời gian.

Camera giám sát, căn cứ để xử phạt nguội là vấn đề được tính đến để tạo một cuộc cách mạng về xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đã đến lúc cần đặt lên bàn cân lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp rượu bia, doanh thu hàng quán dịch vụ mang lại với lợi ích sức khỏe của người dân.

Những trang thiết bị với trí thông nh nhân tạo cần được triển khai để phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn người có hơi thở dính nồng độ cồn lên xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các chiến dịch truyền thông đẩy lùi vấn nạn TNGT liên quan rượu bia thường nhấn mạnh về ý thức người lái. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào các hàng rào kỹ thuật hiện nay, chúng đã đủ mạnh, đủ hiệu quả để ngăn chặn hành vi vi phạm từ trong trứng nước?