Thị trường hàng không: Điểm nghẽn hạ tầng và nhân lực

Thị trường hàng không phát triển nhanh là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực tế, cũng nảy sinh một số bất cập, có nguy cơ uy hiếp an ninh an toàn, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, tình trạng chậm, hủy chyến còn nhiều, bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không là

Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng trung bình 15,8 %/năm. Song thị trường hàng không đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp đe dọa nguy cơ mất an toàn hàng không

Ngành hàng không Việt Nam còn nhiều bất cập

Đó là phát biểu của thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt Nam- cơ hội và thách thức” do Bộ GTVT tổ chức sáng nay (11/12), tại Hà Nội.

Đề cập sự tăng trưởng thị trường hàng không VN thời gian qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 2008 - 2019, VN tăng trưởng 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyển của chúng ta tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá.

Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.

Trước các ý kiến chuyên gia hàng không cho rằng sự phát triển thị trường hàng không VN thời gian qua là “quá nóng”, “một trong những nước có tốc độ phát triển thị trường hàng không cao nhất thế giới”, ông Thắng khẳng định, tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh, nhưng hợp lý.

Dẫn chứng về điều này, ông Thắng cho biết, vào những năm 2008 - 2009, xuất phát điểm thấp nên giá trị tương đối về tăng trưởng là cao. Hơn nữa, khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng.

Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không của VN đang đồng hành với nền kinh tế của đất nước. Trong quá trình tăng trưởng vừa qua, thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ, bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối - mức chỉ số an toàn không nhiều quốc gia đạt được.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đây là những thách thức đặt ra với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp hàng không để hướng tới mục tiêu phát triển dịch vụ an toàn, thuận tiện (Ảnh: baogiaothong)

 Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh

Tuy vậy, sự phát triển nhanh của thị trường hàng không cũng đặt ra nhiều thách thức. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thừa nhận, mặc dù sự phát triển của ngành hàng không đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, mở rộng giao thương quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, song cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý nhà nước, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

“Thực tế đã cho thấy, một số bất cập đã nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, tình trạng chậm, hủy chyến còn nhiều, bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cũng cho biết, sau 8 năm ra đời, hiện đã có đội tàu bay với gần 80 chiếc, vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách, song giờ doanh nghiệp này vẫn chưa có “một tấc đất cắm dùi”, muốn có cơ sở để sửa chữa bảo dưỡng tàu bay không có, muốn có cơ sở để làm các dịch vụ mặt đất không có, muốn có cơ sở để chính lực lượng tiếp viên và hãng làm việc không có. 

“Một bức tranh đơn giản như thế, chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị, xin giải pháp, hướng dẫn, nếu cần đấu thầu thì chúng tôi đấu thầu, cần mua thì mua, cần thuê dài hạn ngắn hạn chúng tôi thuê, nhưng 8 năm qua chúng tôi vẫn chung sống với tình trạng không 1 tấc đất cắm dùi và nhìn thấy tương lai sắp tới 9-10 năm có 1 tấc đất hay không, thì vẫn khó khăn lắm”, ông Thắng chia sẻ.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, đối diện với sự phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng. Rõ ràng, hạ tầng là vấn đề nhà nước cần giải quyết. Hạ tầng hàng không hiện đang tắc nghẽn chủ yếu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Điều mà tất cả các hãng hàng không phải chú ý không phải về sự tăng trưởng cao mà phải xem xét về vấn đề an ninh, an toàn

Điểm nghẽn hạ tầng và nhân lực

Dù đã có kế hoạch mở rộng cách đây 3-4 năm, nhưng vẫn không thể thực hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của hàng không mà ảnh hưởng đến tăng trưởng du lịch và từ đó sẽ kéo theo nhiều thứ khác. Ngoài điểm nghẽn về hạ tầng, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng điểm nghẽn về nhân lực hãy để thị trường giải quyết.

“Doanh nghiệp hãy tự chủ, những thứ chi phí bất hợp lý hãy cắt đi, hãy để cho xã hội trả những chi phí thật cần thiết cho dịch vụ giao thông, đừng bắt xã hội trả những chi phí không cần thiết, trả những chi phí mà người khác dùng người này phải trả tiền", TS Nguyễn Đình Cung phân tích.

GS Nawal Taneja - cố vấn cấp cao Trường kinh doanh Fisher, Đại học Ohio, Hoa Kỳ - người được mệnh danh là “bộ não của hàng không thế giới” cũng cho rằng, tăng trưởng cao không phải là vấn đề, nhưng cũng phải xem xét vấn đề an ninh, an toàn. Đây là điều tất cả các hãng hàng không phải chú ý.

Theo GS Nawal Taneja, dữ liệu tăng trưởng và cạnh tranh toàn cầu thì có hai cách: Thứ nhất là cạnh tranh tích cực. Hai là phá hủy, không theo mô-tip truyền thống. Ví dụ, một số nước làm tốt như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Hay khái niệm cạnh tranh mang tính phá hủy, đột phá mới như Nam Phi, Ấn Độ… 

“Tất cả phụ thuộc vào cạnh tranh, hình thức cạnh tranh nào. Bởi cạnh tranh là tốt để có dịch vụ tốt hơn, giá vé tốt hơn cho nền kinh tế nhưng phải cân bằng, phải thực hiện trên phạm vi là còn hạn chế của hạ tầng. Nếu hạ tầng, tài chính không phân bổ đầy đủ thì không thành công", TS GS Nawal Taneja khẳng định.