Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới (Bài 1)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước rất nhiều biến số khó đoán định từ bên trong lẫn bên ngoài. Điều này đang khiến nhà đầu tư dễ lung lay trước những biến động của thị trường, việc đưa ra các lựa chọn đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Vậy những biến số sẽ ảnh hưởng ra sao? Năm 2023 xu thế của thị trường là gì? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ảnh: VnEconomy

Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khởi đầu năm 2022 với tâm lý rất hưng phấn. Tuy nhiên những "gam màu xám" trong kinh tế vĩ mô đang dần tác động lên các bảng giá chứng khoán.

VN-Index liên tục có các đợt điều chỉnh mạnh để lùi về vùng 1.166,54 điểm, tức thấp hơn 22% so với thời điểm đầu năm. Đây là một mức giảm tương đương với các thị trường lớn tại Mỹ, châu Âu dù nền kinh tế VN được đánh giá có tính ổn định cao hơn. Phân tích về các nhóm ngành, ông Đào Minh Châu, PGĐ Phân tích cổ phiếu SSI Research chia sẻ:

"Các ngành dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chung là các ngành vật liệu cơ bản, ngân hàng, bất động sản. Vì đây là các ngành rất nhạy cảm với chu kỳ của nền kinh tế. Trong khi đó, một số ngành hàng vẫn đạt được mức tăng trưởng , chủ yếu là những ngành phòng thủ như tiện ích, ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, ngành CNTT".

Cùng với đó, giá trị giao dịch trên HOSE cho thấy xu hướng giảm mạnh từ mức đỉnh 2021. Việc thanh khoản giảm chủ yếu do dòng tiền vào của nhà đầu tư cá nhân giảm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân có xu hướng rút tiền ra. Số tài khoản mở mới trong năm 2022 lập đỉnh cũng tương tự như vào tháng 3/2018 khi VN-Index lên 1.200 điểm rồi "lao dốc". Ông Đào Minh Châu phân tích thêm:

"NDT cá nhân liên tục mua ròng từ tháng 10/2020 tới tháng 3 năm nay. Từ tháng 4-8/2022, NĐT cá nhân liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ do bối cảnh dòng tiền thắt chặt, lãi suất tăng khiến chi phí vốn đầu tư tăng. Chỉ số sụt giảm khiến kênh đầu tư chứng khoán bớt hấp dẫn, nền kinh tế mở cửa dẫn tới nhiều NĐT rút tiền ra để quay lại sản xuất, kinh doanh".

Ảnh: CafeF

Thị trường chứng khoán đang trong một bức tranh màu xám và chưa rõ xu hướng. Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT đặc biệt ưa thích giai đoạn này, bởi đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt và lợi thế thuộc về người mua. Đây cũng là thời điểm có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”:

"Lợi thế của Việt Nam là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy. Tôi nghĩ rằng đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế lướt qua được khúc này".

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp. Tuy nhiên, dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo. Nhu cầu tìm hiểu về vấn đề vĩ mô của NDT đã tăng lên trong thời gian qua:

"Trong khoảng 3-4 tháng nay số nhu cầu tìm hiểu về dải dữ liệu vĩ mô vượt trội hơn rất nhiều so với ngày trước. Chứng tỏ bản thân NDT quan tâm rất nhiều con số vĩ mô. Trong những giai đọan vĩ mô biến động như hiện tại thì chúng ta bắt buộc phải quan tâm. Giai đoạn này thị trường cũng nhận ra phải quan tâm tới vĩ mô".

Mặc dù nhìn về dài hạn, TTCK vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế, nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang đứng trước rất nhiều biến số khó đoán định từ bên trong lẫn bên ngoài.

Vậy sang năm 2023, TTCK sẽ nằm trong xu thế phát triển nào?  Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục thông tin trong kỳ tiếp theo