Tết thì gần mà lương thì xa

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thế nhưng do thiếu đơn hàng, khiến hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM buộc phải sắp xếp lại lao động. Điều này đã làm hàng ngàn công nhân bị mất việc, bị cắt giảm giờ làm hoặc chấp nhận giảm lương để giữ việc, khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Trong căn phòng trọ khoảng 15 mét vuông, chị Thảo Nguyên (40 tuổi, quê An Giang) đang loay hoay chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình. Chị cùng chồng đều làm công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) hơn 10 năm nay, chị Thảo Nguyên thất nghiệp khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động với lý do không có đơn hàng. Hiện chồng đã xin đi làm thợ hồ, còn chị cũng không biết xoay sở thế nào.

"Tại gần Tết rồi cũng khó kiếm việc làm ở bên ngoài nữa. Bây giờ em vẫn còn có con nhỏ ở nhà nên là Tết ổn định rồi em mới kiếm lại việc làm, kiếm tiền bạc này kia. Tết nhất ai cũng cần tiền đủ thứ hết mà giờ Công ty vậy thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao", chị Thảo Nguyên cho biết.

Thất nghiệp từ cuối tháng 10 vừa qua, chị Phạm Huyền Nhi (ngụ quận 12) trước kia làm công nhân một công ty may mặc nhưng phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Hiện chị đang tìm công việc thời vụ để đợi qua tết sẽ nộp hồ sơ xin việc vào công ty may khác.

"Giờ cũng gần cuối năm rồi. Bình thường cuối năm mình có tiền thưởng mà giờ còn mấy tháng nữa thôi lại phải nghĩ việc, rất khó khăn. Bây giờ mà chờ đợi việc làm ổn định như lúc đầu cũng cần thời gian nó phải đi tìm nữa, tiền ăn, tiền uống mình cũng không có nữa", chị Nhi nói.

Hàng ngàn công nhân bị mất việc, bị cắt giảm giờ làm hoặc chấp nhận giảm lương để giữ việc, khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. (ảnh nh họa)

Cũng gặp khó khăn, năm nay anh Nguyễn Phan (quê ở Kon Tum) vừa xin làm lại 1 công ty ở TP. Thủ Đức nhưng công việc vẫn chưa ổn định và do mới vào làm nên Tết này sẽ không được nhận lương tháng 13.

Anh Phan dự định tết nay sẽ không về quê Kon Tum xum họp với gia đình mà ở lại TP.HCM để kiếm công việc làm thêm: "Năm nay do kinh tế không có, với lại công việc không ổn định. Lương hồi trước bị cắt giảm nên ở nhà hết mấy tháng, phòng trọ thì tháng 1,7 - 1,8 triệu. Ở lại đi kiếm việc gì làm Tết, khi nào mà làm được, ra năm vé xe giảm rồi về".

Để kịp thời hỗ trợ công nhân người lao động bị ảnh hưởng bởi ‘làn sóng’ mất việc, các sở ngành thành phố đã đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ việc làm mới, cũng như đảm bảo các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo ông Trần Đoàn Trung (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM), Liên đoàn Lao động thành phố sẽ theo dõi sát tình hình kiên quyết đấu tranh và xử lý những doanh nghiệp lừa đảo những doanh nghiệp không chăm lo đảm bảo quyền lợi người lao động trong thời điểm khó khăn hiện nay.

"Khi mà doanh nghiệp xây dựng phương án về việc phải cắt giảm lao động thì phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật trong đó đặc biệt là đảm bảo đầy đủ những quyền lợi cho người lao động. Tổ chức công đoàn chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng cố gắng kết nối và tìm việc làm cho số lao động bị mất việc. Đoàn viên rồi người lao động bị mất việc cũng sẽ là một đối tượng ưu tiên trong cái chăm lo tết đợt này của liên đoàn TP.HCM", ông Trung cho biết.

Không chỉ tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương cũng có gần 290.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm. Trong bối cảnh trên, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình.

Ông Nguyễn Tầm Dương (Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương) cho biết: "Biện pháp tốt nhất để chăm lo cuộc sống người lao động là ổn định được việc làm tại doanh nghiệp, chính cái đó mới bảo đảm cơ bản đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, mình vẫn phải có những cách thức để hỗ trợ người lao động, rồi những chính sách riêng của Công đoàn.... Tỉnh cũng đang tiến hành nhiều biện pháp để làm sao ổn định tình hình".

Tết Nguyên đán đang đến thật gần, người lao động rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để "không ai bị bỏ lại phía sau". Năm 2023 được dự báo, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn gặp rất khó khăn, nên doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp, đồng lòng chung sức để vượt qua khó khăn với những giải pháp thực tế và dài hơi hơn.

Một số người lao động chia sẻ:

"Mong muốn là có tết được thưởng được khá khá chút để trang trải cũng đỡ trong gia đình".

"Có tháng lương Tết thì công nhân mình khỏe chút xíu".

"Mong muốn cuộc sống mình khá hơn, công ty phát triển thì anh em cũng được nhờ".