Taxi bay điện: Thị trường béo bở của hàng không

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng thường xuyên tại các đô thị lớn, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đang phát triển taxi bay, hướng đến thay thế các phương tiện giao thông trên mặt đất.

Các chuyên gia nhận định, triển vọng của thị trường taxi bay là hết sức tiềm năng, có thể đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho ngành hàng không trong thập kỷ tới.

Giảm lượng ô tô lưu thông trên đường và ‘đưa mọi người lên bầu trời’ đang là mục tiêu mà nhiều hãng vận tải lớn tại Mỹ hướng tới.

Điều này thể hiện qua việc thời gian gần đây, hàng loạt hãng hàng không thương mại tích cực đầu tư cho các công ty khởi nghiệp phát triển taxi bay, với mục đích giúp khách hàng thực hiện những chuyến đến và đi sân bay nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Cụ thể, cuối tháng 10 vừa qua, hãng hàng không Delta Air Lines thông qua khoản đầu tư trị giá 60 triệu USD cho Joby Aviation, một công ty phát triển loại máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng, dự định hoạt động như một dịch vụ taxi hàng không.

Ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành Delta Air Lines chia sẻ: “Chúng tôi muốn đem đến cho hành khách cơ hội nâng cao trải nghiệm, bằng cách đón và đưa họ ra sân bay với một phương tiện hoàn toàn mới, có thể giúp cắt giảm ít nhất 50% thời gian di chuyển trên đường”.

Một chiếc máy bay Joby Aviation Electric cất cánh và hạ cánh thẳng đứng - Ảnh Getty Images

 

Không chỉ Delta Air Lines, hãng hàng không United Airlines cũng đang hợp tác với công ty Heart Aerospace, trụ sở tại Thụy Điển, với hy vọng sẽ có những chiếc taxi bay vào năm 2030.

Ngoài ra, United Airlines còn đầu tư 15 triệu USD cho Eve Air Mobility để đặt thỏa thuận mua có điều kiện 200 máy bay điện 4 chỗ vào đầu năm 2026. Trước đó, năm 2021, United Airlines đặt cọc 10 triệu USD cho công ty Archer Aviation để được lấy sớm 100 chiếc taxi bay.

Không đứng ngoài cuộc, một hãng hàng không lớn khác của Mỹ là American Airlines mới đây cũng đầu tư 25 triệu USD vào Vertical Aerospace, công ty có trụ sở tại Anh với đơn đặt hàng 50 máy bay chạy điện loại nhỏ.

Ông Florian Reuter, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Volocopter của Đức, đơn vị đang phát triển mẫu taxi bay VoloCity, chuyên dành cho chặng ngắn, nhận định, di chuyển trong đô thị là thị trường khổng lồ, trị giá lên tới hơn 10.000 tỷ USD. Volocopter kỳ vọng có thể phục vụ thị trường khoảng 300 tỷ USD vào năm 2035.

“VoloCity được thiết kế để phục vụ đô thị, đáp ứng những chuyến bay ngắn, ví dụ từ sân bay, bến cảng, nhà ga… vào trung tâm thành phố hoặc ngược lại với thời gian không quá 15 phút và chi phí dưới 100 USD”, Florian Reuter nói.

Thời gian qua, không ít hãng hàng không đưa ra dịch vụ sử dụng trực thăng để di chuyển trong thành phố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức đi lại này gây tiếng ồn lớn và không phù hợp với môi trường đô thị. Ngoài ra, chi phí quá đắt đỏ cũng khiến chỉ một bộ phận nhỏ những người giàu mới có khả năng tiếp cận.

Một chiếc taxi bay VoloCity của Volocopter - Ảnh Reuters

Ông Florian Reuter cho rằng, trong tương lai, taxi bay điện sẽ ngày càng phổ biến và đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người: “Lúc này, taxi bay có thể sẽ chưa rẻ hơn phương tiện vận tải trên mặt đất, nhưng chúng tôi hy vọng trong tương lai nó sẽ phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi người, chứ không phải số ít người có điều kiện kinh tế. Ngoài ra, do chạy bằng điện nên phương tiện này cũng rất an toàn và yên tĩnh”.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Brett Adcock, đồng sáng lập hãng Archer Aviation, công ty đang phát triển máy bay điện có trụ sở tại California, cho rằng, taxi bay sẽ giúp mọi người di chuyển nhanh hơn mà vẫn đảm bảo an toàn: “Lý do chúng tôi thành lập công ty này bởi chúng ta đang chứng kiến lượng phương tiện giao thông vận tải tăng nhanh chưa từng có tại các đô thị trên khắp thế giới. Mỗi ngày có hàng triệu người bị kẹt xe, cùng với đó là lượng khí thải carbon tăng cao trên toàn cầu do ảnh hưởng của phương tiện giao thông. Tất cả những gì chúng tôi đang làm là cố gắng xây dựng một thế giới, nơi chúng ta có thể đi lại một cách tự do, tiện lợi và bền vững”.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, ngoài các sân bay dân dụng thương mại sản lượng nhỏ Việt Nam nên có các sân bay chuyên dùng có đường cất hạ cánh dưới 1.200m và vốn đầu tư không quá lớn, phục vụ nhu cầu hàng không chung, du lịch, cứu thương và cả an ninh quốc phòng. Việc phát triển các sân bay chuyên dùng sản lượng nhỏ rất phù hợp với địa hình Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành vùng núi cao, hải đảo không có nhiều diện tích bằng phẳng để phát triển các sân bay thương mại lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, phát triển các sân bay nhỏ còn phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành hàng không sử dụng máy bay điện tầm bay ngắn, hướng tới taxi bay… Trước tình trạng đất chật, người đông, giao thông tắc nghẽn, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra nhiều phương án, trong đó có định hướng phát triển taxi bay để thay thế cho các phương tiện chạy trên mặt đất. Việc phát triển các sân bay nhỏ sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng mới này của hàng không thế giới.