Tài xế xe công nghệ chật vật vì vắng khách sau khi giá cước tăng

Giá cước của một số ứng dụng gọi xe công nghệ tăng lên khiến nhiều khách hàng do dự khi đặt xe. Vắng khách và phần nộp về cho công ty quản lý tăng do cộng thêm phí VAT cũng khiến nhiều tài xế lo lắng về thu nhập.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tài xế công nghệ vắng khách

Thường xuyên chọn ứng dụng gọi xe công nghệ để di chuyển từ Quận 3 sang Quận 10 (TP.HCM) vì công việc, nhưng vài ngày nay, chị Nguyễn Mỹ Tiên khá dè dặt và phải tính toán lại chi phí di chuyển do giá cước tăng.

Trước đây, chị Tiên chỉ phải chi trả 25.000 đồng cho mỗi chuyến xe thì nay giá cước đã tăng lên 27.000 đến 30.000 đồng.

"Mình cũng suy nghĩ khi chọn xe công nghệ làm phương tiện di chuyển vì từ đầu năm đến giờ làm việc rất khó khăn, tính ra thì mỗi tháng mất thêm mấy trăm ngàn nữa", chị Tiên nói. 

Ông Mai Văn Thêm, một người chạy GrabBike đang chờ khách ở Quận 1 kể, từ sáng đến quá trưa, ông chỉ nhận về vài chục ngàn đồng sau khi đã trừ các loại thuế, phí. Vắng khách là nguyên nhân chính khiến thu nhập của ông giảm nên ông rất lo lắng: "Sáng giờ vắng khách, chỉ có 3,4 cuốc xe. Thu nhập buổi sáng chỉ có 100.000 đồng, đóng chiết khấu hết 30.000, tiền xăng hết 20.000 đồng, còn lại 50.000 đồng, lỡ chạy dọc đường mà hỏng xe nữa thì sao chạy tiếp được".

Hoạt động tài xế công nghệ trước bến xe ền Đông

Tại bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh, hoạt động đón trả khách của các tài xế xe công nghệ cũng không còn nhộn nhịp như trước. Một số tài xế của ứng dụng gọi xe Grab cho biết, số lượng khách hàng chọn hãng xe công nghệ này đã giảm hẳn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và mới đây là việc tăng giá cước sau khi có thêm VAT.

Vắng khách nên một số tài xế cũng chuyển sang chở hàng thuê hoặc bật ứng dụng gọi xe khác để chạy.    

Tài xế công nghệ chật vật chờ khách trước cổng trung tâm thương mại

Trước những thắc mắc của tài xế về chiết khấu và của khách hàng về giá cước tăng thêm, ông Lê Quang Kiệt, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH Grab Việt Nam cho rằng, công ty chủ quản ứng dụng xe công nghệ chỉ là đơn vị thu hộ và phần thuế này do khách hàng đóng, sẽ nộp lại cho nhà nước: "Thuế này là theo Nghị định 126, theo hình thức khấu trừ và thuế VAT là hàng khách trả, mình thu thông qua tài xế để nộp cho cơ quan nhà nước chứ không tăng chiết khấu đối với tài xế, chiết khấu tài xế vẫn như cũ".

Tài xế của các ứng dụng gọi xe công nghệ đang đối mặt với nguy cơ giảm khách, giảm thu nhập. Bởi với tình hình đời sống khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, khách hàng sẽ rất cân nhắc khi phải chịu thêm 10% cước phí đặt xe.