Tại sao tài xế ở thị trường giao đồ ăn lớn nhất thế giới bị khủng hoảng?

Luôn lo sợ bị cắt giảm lương vì phải giao hàng đúng giờ và liên quan đến sự hài lòng của khách hàng, nhiều shipper ở Trung Quốc đang ở trong trạng thái căng thẳng, áp lực đến mức không thể chịu đựng được, thậm chí có những hành động mất kiểm soát.

 

Một tài xế giao đồ ăn ném mạnh chiếc điện thoại di động của mình xuống vỉa hè sau khi nhận được đánh giá tiêu cực từ khách hàng.

Một nhân viên giao hàng khác quỳ xuống xin lỗi một cảnh sát đã chặn anh ta lại vì vượt đèn đỏ. Sau đó, người này đứng dậy, xô đổ chiếc xe chở hàng và băng qua đường mà không quan tâm đến giao thông, vừa chạy vừa hét “Tôi không thiết sống nữa”.

Trong một vụ việc khác, đám đông tài xế tức giận tụ tập bên ngoài một khu chung cư, đòi công lý cho một đồng nghiệp được cho là bị nhân viên bảo vệ ở đó bắt nạt.Đó là một vài trong số nhiều vụ việc liên quan đến nhân viên giao hàng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Yang, một shipper 35 tuổi:

“- Còn khách hàng thì sao? Họ có bao giờ thô lỗ với bạn không?

- Có đủ loại khách hàng. Thật khó để tránh.

- Đây có phải là cách kiếm sống tốt không?

- Tôi nghĩ là ổn, nhưng không dễ dàng như trước. Ngày càng có nhiều người làm công việc này”.

Tài xế giao đồ ăn Yang (bên trái) chia sẻ về hoàn cảnh của anh ấy. Ảnh: Justin Robertson/CNN.

Khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu, những người giao hàng đang phải chịu nhiều áp lực.

Jenny Chan, Phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông cho biết: Shipper đang làm việc nhiều giờ, thực sự bị chèn ép. Và họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực vì các nền tảng giao hàng phải giữ chi phí ở mức thấp.

Ngoài ra, nền tảng giao đồ ăn áp đặt các điều khoản hợp đồng, khiến người lao động không có nhiều cơ hội phản đối tình trạng điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.

Anh Dai Yazhen, làm nghề tài xế giao hàng từ năm 2013, chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm việc từ 8 hoặc 9h sáng đến 11-12 giờ đêm. Một số người thậm chí còn làm nhiều thời gian hơn. Ngành công nghiệp này hiện đang đi xuống. Phí giao hàng thấp, ít đơn hàng hơn và nhiều tài xế giao hàng hơn. Nếu tôi bắt đầu làm công việc này vào năm ngoái thì có lẽ tôi không thể làm nó hơn 1 tuần.

Một tài xế mới vào nghề còn không kiếm đủ để trang trải chi phí thường ngày của mình. Tôi làm công việc này đã lâu rồi nên đã quen với guồng quay. Vì thế mà tôi vẫn gắn bó với nó”. 

Các nhân viên giao thức ăn chờ nhận đơn bên ngoài một nhà hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images.

Theo ước tính của iiMedia Research, một công ty chuyên theo dõi xu hướng của người tiêu dùng, thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020. Ngành công nghiệp này dự kiến đạt 280 tỷ USD vào năm 2030.

Li, một tài xế giao đồ ăn chia sẻ về áp lực phải chịu mỗi ngày: “Mỗi khi nhìn đồng hồ và thấy là chỉ còn đúng 5 phút để hoàn thành đơn hàng, trong khi vẫn còn cả cây số, vậy làm cách nào để giao đơn đúng giờ? Lúc ấy chẳng còn lựa chọn nào khác là lái xe sai luật cả, chúng tôi đã nghĩ vậy và đúng là chúng tôi đã vi phạm luật giao thông”.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu việc làm mới Trung Quốc, năm ngoái, mỗi shipper kiếm được hơn 6.800 nhân dân tệ (24 triệu đồng) một tháng, giảm hơn 1.000 nhân dân tệ so với 5 năm trước, mặc dù phải làm nhiều giờ hơn.

Lu Sihang, 20 tuổi, cho biết anh làm 10 tiếng và giao 30 đơn hàng mỗi ngày. Anh kiếm được khoảng 30 đến 40 đô la mỗi ca. Với mức lương này, Lu phải làm việc gần như mỗi ngày để đạt được mức lương trung bình là 950 đô la (khoảng 24 triệu đồng)/tháng.

Trong khi đó, anh Dai Yazhen, tài xế ở Thượng Hải, chia sẻ: “Tiền thuê nhà và nuôi con chiếm phần lớn thu nhập. Tôi kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ/tháng. Ở Thượng Hải, riêng tiền thuê nhà đã mất khoảng 2.000 – 3.000 nhân dân tệ/tháng rồi. Tôi ở cùng với vợ con. Các tài xế khác nếu ở chung, chia sẻ tiền thuê thì sẽ kinh tế hơn. Còn tôi hầu như không tiết kiệm được gì. Có lẽ vợ con tôi sẽ phải chuyển về quê sống và tôi phải tìm một công việc khác”.

Những người giao hàng chờ trong một nhà hàng tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: Pedro Pardo/AFP/Getty Images.

Gary Ng – Chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết xu hướng thắt lưng buộc bụng khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn.

Điều này khiến thu nhập của shipper giảm bởi tiền lương gắn với hoa hồng dựa trên giá trị đơn hàng. Khách hàng không rủng rỉnh thì họ cũng ít khả năng đưa tiền tip hơn.Tuy nhiên vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở nền kinh tế và túi tiền của người tiêu dùng.

Chan, thuộc Đại học Bách khoa, cho biết các nền tảng đã đầu tư mạnh ngay từ đầu để giảm giá nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây, khi giành được thị trường, họ chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm tiền thưởng và tiền lương của họ.

Mặc dù thừa nhận những mặt hạn chế, nói rằng nghề giao hàng "không còn tốt như trước" nhưng shipper 35 tuổi họ Yang vẫn nghĩ công việc này phù hợp với mình hiện tại, sau khi đã từng làm nhiều công việc trước đây, từ bán đồ ăn nhẹ đến làm việc trong văn phòng.

"Đó là một công việc linh hoạt. Nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn, bạn sẽ cần làm việc lâu hơn, nếu bạn muốn nghỉ ngơi, bạn có thể làm việc ít hơn", Yang nói.

Còn tại Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng xe ôm công nghệ hay shipper đang tăng mạnh và ngày càng có nhiều thương hiệu ra đời khiến tỉ lệ cạnh tranh cao.

Tính tới đầu năm 2024, hệ thống xe ôm công nghệ hãng Be và Grab ghi nhận có khoảng 300.000 tài xế mỗi hãng, một hãng xe ôm công nghệ mới xuất hiện thời gian gần đây là Xanh SM Bike cũng có khoảng hơn 90.000 tài xế.

Với một đơn hàng, ứng dụng (app) của các hãng công nghệ lấy được cả tiền chia sẻ doanh thu từ quán ăn và tiền chiết khấu từ vận đơn của shipper.

Chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 - 27,5%. Tương tự shipper cũng có mức chiết khấu với app từ 20 - 25%.

Hiện nay, nhiều tài xế than trời vì thu nhập giảm, rủi ro gặp tai nạn cao khi làm việc, thuật toán chỉ ưu tiên bảo vệ lợi ích của công ty; môi trường làm việc không tốt, khi có quá nhiều lao động tham gia và có quá ít công việc để làm.

Với mức thu nhập chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tháng trong khi phải làm việc kéo dài tới 10-11 giờ/ngày, nhiều shipper đã quyết định chuyển nghề.