Trong phòng nghiên cứu tại San Jose, California của ChargePoint Holdings - nhà điều hành mạng lưới bộ sạc xe điện lớn nhất nước Mỹ, các kỹ thuật viên đang kiểm tra các bộ sạc ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt để đánh giá mức độ hư hỏng sau nhiều năm sử dụng.
Hàng năm, phòng thí nghiệm phát hiện khoảng 3.300 bộ sạc không thể sử dụng.
Quy trình của ChargePoint nhằm khắc phục một trong những vấn đề cấp bách nhất của quá trình chuyển đổi xe điện: các trạm sạc công cộng thường không hoạt động. Bộ phận bị hỏng, màn hình thông tin bị đóng băng, hệ thống thanh toán gặp trục trặc và hay bị kẻ trộm lấy cắp dây. Có những kẻ phá hoại còn đi làm hỏng phích cắm sạch, thậm chí và nhét thịt xay vào đó.
Cô Celestine Hong, cho biết gia đình cô hiện có hai chiếc xe điện, thế nhưng, cô đang cảm thấy khá bất tiện mỗi lần sạc điện cho chiếc xe của mình: “Chúng tôi lựa chọn sử dụng xe điện vì không muốn bị phụ thuộc vào xăng dầu. Xe điện hiệu quả, nhưng nó trở nên rắc rối khi ngày càng có nhiều tài xế lái xe điện. Bạn không thể tìm thấy một nơi để sạc điện."
Trước thực tế này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dành 5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới sạc dọc theo các con đường lớn và 2,5 tỷ USD để sạc trong cộng đồng; nhằm thuyết phục mọi người sử dụng xe điện.
Ông Brent Gruber, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu ô tô toàn cầu của J.D. Power cho biết: “Chúng tôi đang ở thời điểm phải giải quyết những vấn đề trạm sạc trước khi tiến xa hơn trong việc áp dụng xe điện.”
Kết quả khảo sát của J.D. Power cho thấy: Hai năm trước, 14,5% số người được hỏi cho biết họ không thể sạc pin tại trạm công cộng. Bây giờ con số đã tăng lên 21,4%.
Còn tại Anh, Zapmap Ltd., công ty có ứng dụng theo dõi dữ liệu trực tiếp từ khoảng 70% bộ sạc công cộng, năm ngoái đã phát hiện ra 6% trạm sạc không hoạt động.
Vấn đề trạm sạc đang đe dọa tương lai của xe điện. Trạm sạc công cộng đang là một liên kết rất yếu trong chuỗi tiện ích của ô tô điện, khi mà nó vừa thiếu vừa hay hỏng.
Bên cạnh đó, do các trạm sạc bố trí ở ngoài trời nên phải chịu các tác động của thời tiết. Công tác bảo trì của nhiều trạm sạc cũng không thường xuyên. Cùng với đó, bộ sạc phải tiếp xúc với nhiều loại ô tô điện khác nhau cũng khiến ảnh hưởng đến độ bền.Một nghiên cứu năm 2022, cho thấy khoảng 25% trong số 657 phích cắm không hoạt động.
Anh Khairul Kabir, một người đang thuê chiếc xe điện Nissan chia sẻ: “Tôi đang sạc điện cho chiếc xe của mình tại nơi làm việc, mất 5 tiếng rồi chưa xong. Đây là điều tôi cảm thấy khó chịu nhất. Có một số trạm sạc bị hỏng. Vì thế mà các trạm sạc khác luôn đông đúc và phải chờ đợi”.
Tuy nhiên, hãng ô tô điện Tesla đang vận hành một mạng lưới toàn cầu gồm 45.000 bộ sạc siêu nạp (supercharger), có thể giúp xe đi được 322 km chỉ trong 15 phút sạc.
Ông Gruber cho biết Tesla luôn nhận được điểm hài lòng của khách hàng cao nhất so với bất kỳ công ty sạc điện nào trong các cuộc khảo sát của J.D. Power. Tỷ lệ chủ xe gặp trụ sạc hỏng chỉ là 3%. Nhưng Tesla có lợi thế là những bộ sạc này chỉ dành riêng cho khách hàng của mình.
Trong khi các công ty khác bán và lắp đặt trụ sạc cho các chủ bãi đỗ xe hoặc tòa nhà, khu phức hợp. Điều đó có nghĩa là các mạng lưới sạc như ChargePoint, Blink,... phải giao phó việc bảo dưỡng trụ sạc cho các chủ bãi đỗ, chủ tòa nhà thông qua các hợp đồng dịch vụ.
Karl Brauer, một nhà phân tích điều hành của iSeeCars.com, nói rằng trong khi họ hy vọng thị trường xe điện tăng từ mức 5 đến 6% hiện tại lên 30 hoặc 40% vào năm 2030, nhưng sự tăng trưởng bùng nổ này gây ra nhiều áp lực cho hạ tầng trạm sạcư.
“Có 150.000 bộ sạc trong cả nước, tương đương với số lượng trạm xăng. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó là bộ sạc loại hai. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 27.000 bộ sạc loại ba, còn gọi là sạc nhanh được đặt trên khắp nước Mỹ, với 40% trong số đó dành cho xe không phải Tesla. Nếu bạn không sử dụng xe Tesla, thì chỉ có 11.000 bộ sạc loại ba trên toàn quốc”.
Khi xe điện ngày càng phổ biến, phần lớn việc sạc xe sẽ diễn ra tại nhà và ngay cả khi phạm vi hoạt động trung bình của xe điện tại Mỹ đạt gần mức kỷ lục 482 km, thì các trạm sạc công cộng vẫn cần thiết cho những chuyến đi dài hơn và cho những người không có nhà để xe.
Đó là lý do tại sao chính quyền tổng thống Biden thiết lập bộ quy tắc, để đạt tiêu chuẩn hưởng trợ cấp của chính phủ, các trạm sạc phải có tỷ lệ hoạt động là 97%.
Đây là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trạm sạc cần phải vượt qua để giữ chân được khách hàng và xa hơn là tiến tới phổ cập được ô tô điện.
Còn tại Việt Nam, Các chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy người dân dùng xe điện cần đầu tư hạ tầng trạm sạc phủ khắp, thay vì chỉ chú trọng đến đẩy mạnh doanh số bán xe.
Đầu tư hạ tầng sạc điện là bài toán cấp bách cần giải quyết, rồi mới tính đến chuyện phát triển ngành ô tô điện. Nếu không hoàn thiện được hạ tầng trạm sạc với những quy chuẩn cụ thể, thì việc phát triển xe điện tại Việt Nam vẫn khó khả thi.