Tại sao các hãng hàng không lại thực hiện mã chung và quyền hưởng dịch vụ có được đảm bảo?

Singapore Airlines (SIA) và Air India đã mở rộng hợp tác mã chung vào ngày 27/10 vừa qua bằng cách thêm nhiều điểm đến mới giữa Singapore và Ấn Độ cũng như các điểm đến quốc tế khác. Việc này đã dấy lên nhiều băn khoăn về tiêu chuẩn dịch vụ giữa các hãng hàng không liệu có đồng đều hay không.

 

 

Singapore Airlines (SIA) và Air India đã mở rộng hợp tác mã chung vào ngày 27/10 vừa qua. Ảnh: AFP

Trong bảng xếp hạng các hãng hàng không hàng đầu thế giới năm nay của Skytrax, Singapore Airlines được xếp hạng thứ hai, trong khi Air India đứng ở vị trí thứ 90. Một số bình luận đặt câu hỏi liệu có xảy ra trường hợp đặt vé của Singapore Airlines nhưng sau đó lại phát hiện chuyến bay thực sự do Air India khai thác. Một số khác than phiền rằng tại sao họ phải trả tiền vé máy bay giá của Singapore Airlines cho chất lượng dịch vụ của Air India.

Ông Aaron Wong, người sáng lập trang web du lịch The MileLion cho biết chuyến bay chia sẻ mã là một thỏa thuận mà theo đó, một hãng hàng không đặt số hiệu chuyến bay của mình lên một chuyến bay do hãng hàng không khác điều hành với sự chấp thuận của đôi bên.

Ví dụ, một hành khách đặt vé chuyến bay Singapore Airlines nhưng chuyến bay thực tế lại được điều hành bởi hãng hàng không Đức Lufthansa, hoặc hãng hàng không giá rẻ địa phương Scoot, hoàn toàn thuộc sở hữu của Singapore Airlines.

Ông Alfred Chua, biên tập viên tại tạp chí FlightGlobal cho biết rằng việc chia sẻ mã cũng là một thỏa thuận kinh doanh, trong đó các hãng hàng không bán một số lượng ghế nhất định trên các chuyến bay chia sẻ mã.

Theo Singapore Airlines, hãng này chia sẻ mã chuyến bay với 33 hãng hàng không từ các châu lục khác nhau, bao gồm Air India, Air France, Ethiopian Airways, Croatia Airlines và United Airlines.

Ảnh: nowboarding.changiairport.com

Về lý do các hãng hàng không chia sẻ mã chuyến bay, bà Marina Grenier, Giám đốc Liên nh Hàng không tại Air Transat, một hãng hàng không Canada cho biết: “Vì chia sẻ mã sẽ giúp chúng tôi tiếp tục phát triển bằng cách xây dựng quan hệ đối tác với các hãng hàng không khác có cùng giá trị và có các tuyến bay bổ sung cho chúng tôi. Tôi tin rằng loại hình hợp tác này là xu hướng tương lai cho Air Transat vì nó sẽ giúp chúng tôi mở rộng mạng lưới trong nước và quốc tế, cũng như thâm nhập vào các thị trường tăng trưởng. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tối ưu hóa hành trình du lịch. Khách hàng có thể bay với Air Transat và các đối tác của chúng tôi chỉ với một vé duy nhất”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Aaron Wong, người sáng lập trang web du lịch The MileLion cho biết nhờ chia sẻ mã chuyến bay, các hãng hàng không có thể cung cấp cho hành khách nhiều điểm đến hơn mà không cần phải vận hành máy bay của riêng mình hoặc tạo ra một tuyến bay mới.

Ví dụ, theo thỏa thuận chia sẻ mã mở rộng của Singapore Airlines với Air India, mạng lưới được bao phủ bởi thỏa thuận đã thêm 11 thành phố của Ấn Độ và 40 điểm đến quốc tế.

Việc chia sẻ mã cũng giúp các hãng hàng không cung cấp khả năng kết nối tốt hơn giữa các chuyến bay, bằng cách đồng bộ hóa lịch trình của các nhà điều hành khác nhau để cung cấp các kết nối mượt mà hơn.

Ví dụ, nếu một hành khách muốn đi từ Singapore đến Varanasi (Ấn Độ), họ không cần phải đặt chuyến bay Singapore Airlines từ Singapore đến New Delhi, sau đó đặt vé riêng trên một hãng hàng không Ấn Độ từ New Delhi đến Varanasi. Thay vào đó, theo thỏa thuận chia sẻ mã mở rộng, họ có thể sớm đặt toàn bộ chuyến đi dưới tên Singapore Airlines và đi chuyến bay chia sẻ mã của Air India từ New Delhi đến Varanasi.

Ảnh: Reuters

Ông Mansur Khatov tại Trường Kinh doanh Nanyang, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng: Tuy thỏa thuận chia sẻ mã chuyến bay không hẳn sẽ giúp giá vé rẻ hơn, nhưng hành khách có thể tận hưởng các dịch vụ gia tăng mà nó mang lại.

"Trong trường hợp mở thêm các tuyến bay mới, điều này cũng sẽ mở rộng bản đồ điểm đến cho khách hàng, mang lại nhiều lợi ích hơn cho họ. Cuối cùng, thỏa thuận này cũng có thể giúp tăng thêm giá trị dịch vụ, chẳng hạn như giúp việc chuyển hành lý diễn ra liền mạch hơn giữa các chuyến bay chia sẻ mã của các hãng hàng không."

Về yếu tố quyết định chia sẻ mã chuyến bay, ông Chua cho biết các hãng hàng không cung cấp dịch vụ đầy đủ thường sẽ chia sẻ mã chuyến bay với các hãng hàng không cung cấp dịch vụ đầy đủ khác – thay vì với các hãng hàng không giá rẻ – và sẽ xem xét những yếu tố như liệu hãng đó có khu vực hạng thương gia hoặc hạng nhất, và có chương trình khách hàng thân thiết hay không.

Tuy nhiên, ông Wong cho rằng mặc dù mức độ dịch vụ là một yếu tố mà các hãng hàng không cân nhắc khi quyết định hợp tác với hãng khác, nhưng yếu tố chính vẫn là liệu mạng lưới tuyến bay có bổ sung cho nhau hay không.

Ví dụ, Singapore Airlines có một thỏa thuận chia sẻ mã với hãng hàng không Mỹ JetBlue Airways, hãng này thực hiện các chuyến bay nội địa trong nước và bổ sung cho mạng lưới của Singapore Airlines.

Ông Chua cho biết: Mặc dù các hãng hàng không cố gắng làm việc với các đối tác có mức độ dịch vụ tương tự, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Hành khách nên nhận thức rằng một chuyến bay chia sẻ mã có khả năng sẽ không có cùng mức độ dịch vụ..

Ví dụ, một chuyến bay chia sẻ mã Singapore Airlines trên Lufthansa trong châu Âu sẽ là một trải nghiệm rất khác so với việc bay Singapore Airlines.

Trang web của Singapore Airlines cho biết rằng khi đi trên một chuyến bay chia sẻ mã do đối tác chia sẻ mã điều hành, “các điều kiện vận chuyển” của hãng điều hành sẽ được áp dụng, và những điều này có thể khác với các điều kiện của Singapore Airlines, chẳng hạn như về hạn mức hành lý.

Các chuyến bay chia sẻ mã không phải lúc nào cũng mang lại toàn lợi ích – chúng cũng có những bất lợi. Điều này bao gồm sự khác biệt trong chính sách hành lý, hạn chế quyền truy cập vào các lợi ích dành cho thành viên hãng hàng không, và nhiều vấn đề khác. (Ảnh: nowboarding.changiairport.com)

Đồng ý với ông Chua, ông Wong nói rằng không có hai hãng hàng không nào có thể cung cấp chính xác cùng một tiêu chuẩn dịch vụ. Thực tế khắc nghiệt là không phải tất cả các hãng hàng không đều giống nhau, ngay cả khi bạn có thể đặt vé hạng thương gia từ Singapore đến Ấn Độ, nhưng hạng thương gia của Singapore Airlines rất khác so với hạng thương gia của Air India.

Mọi thứ từ cấu hình ghế ngồi, bữa ăn, hệ thống giải trí và các tiện nghi đều sẽ khác nhau. “Vì vậy, tôi hoàn toàn hiểu tại sao mọi người lại lo lắng về những điều này, vì nó có thể cảm thấy như một trò lừa đảo,” ông Wong thêm vào.

Còn tại Việt Nam, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận chia sẻ mã với với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới, giúp mở rộng mạng lưới chuyến bay và mang lại lợi ích cho hành khách trong việc di chuyển giữa các điểm đến khác nhau.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã thiết lập nhiều thỏa thuận chia sẻ mã với Japan Airlines, All Nippon Airways (ANA), và Air France. Điều này cho phép hành khách của Vietnam Airlines có thể đặt vé cho các chuyến bay nối tiếp do các hãng này điều hành.

Trong khi đó, Vietjet Air cũng đã ký kết thỏa thuận chia sẻ mã với một số hãng hàng không quốc tế như Qatar Airways, giúp mở rộng mạng lưới điểm đến cho hành khách và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các chuyến bay.

Các thỏa thuận chia sẻ mã không chỉ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho hành khách mà còn cải thiện khả năng cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam trên thị trường quốc tế.