Tài già 'mách nước' cách chế ngự 'xe điên'

VOVGT– Theo anh Nguyễn Phong, một tài xế lâu năm, nguyên nhân dẫn đến các vụ “xe điên” chủ yếu là do lái xe không quen xe và khả năng phán đoán, phòng ngừa kém.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu là do lái xe không quen xe và khả năng phán đoán, phòng ngừa kém.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xe ô tô gây tai nạn liên hoàn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đáng nói là nguyên nhân khiến tài xế bị mất kiểm soát tay lái lại không phải do phê ma túy, ngáo đá hay say xỉn mà phần nhiều đến từ ý thức và tâm lý của chính tài xế.

Anh Nguyễn Phong, một người có nhiều năm kinh nghiệm lái xe và đam mê về xe cộ tại Hà Nội, chia sẻ: Ngoài nguyên nhân là lái xe trong tình trạng say rượu, bia hay phê ma túy thì còn có nhiều lí do khác khiến tài xế bị mất kiểm soát và gây ra những vụ tai nạn liên hoàn, nhưng chủ yếu là do lái xe không quen xe và khả năng phán đoán, phòng ngừa kém.

“Có một số nguyên nhân như: xe đi mượn nên không quen xe; người lái có phản xạ kém dẫn đến xử lý kém, hoảng loạn khi có tình huống bất ngờ xảy ra; phụ thuộc vào yếu tố giới tính, độ tuổi; hay bị xao nhãng do làm các việc khác khi đang lái xe như cúi xuống lấy đồ bị rơi, chỉnh ghế khi chân vẫn đặt lên bàn đạp ga… Tôi cho rằng vận tốc nhanh hay chậm không phải là nguyên nhân chính mà quan trọng là có trong tầm kiểm soát hay không. Tuy nhiên, nếu đi với vận tốc chậm thì bạn có thể hạn chế được nhiều rủi ro hơn”, anh Phong cho biết.

Theo anh Phong, trên thực tế bạn phải mất ít nhất 30 – 50km để làm quen với xe và thích ứng được với kỹ năng điều khiển từng loại xe, khả năng tương tác với xe như: phanh, ga, tầm nhìn, góc lái, tay lái, độ bám đường... vì mỗi xe khác nhau sẽ cho cách xử lý khác nhau. Vì thế, bạn nên dành 3 phút đầu tiên không khởi động xe mà chỉnh các chức năng: ghế lái, kính chiếu hậu, đèn, máy lạnh, âm thanh nhạc vừa phải sao cho phù hợp với mình. Nhiều người cẩu thả khi bước lên xe là đạp ga ngay, sau đó vừa đi vừa chỉnh các chức năng trên xe hoặc hỏi chủ xe. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.

Mặt khác, anh Phong cho rằng công tác đào tạo lái xe hiện nay còn thiếu kiến thức thực tế, chưa trang bị đầy đủ kỹ năng về cách xử lý cách tình huống, phòng ngừa tai nạn, vì thế khi lái thực tế, gặp phải những sự cố bất ngờ, lái xe dễ bị mất bình tĩnh, không kiểm soát được và dễ dẫn đến việc nhầm chân phanh với chân ga, gây tai nạn đáng tiếc.

Anh Phong cũng lưu ý: Xe số tự động (AT) có khả năng gây ra tai nạn khủng khiếp hơn nhiều so với xe số sàn (MT). Bởi lẽ, xe số AT chỉ có chân ga và phanh, khi đạp nhầm chân ga, xe sẽ lao thẳng vào với lực mạnh nhất, tài xế lúc này sẽ hoảng, càng đạp mạnh. Còn với xe số MT, khi gặp tình huống bất ngờ, phản xạ là người lái sẽ đạp cả chân côn nên giảm được phần nào lực đâm, hạn chế được hậu quả.

“Đó là lý do tại sao ở nước ngoài, người ta chia ra làm 2 loại giấy phép lái xe, giấy phép lái AT thì được lái cả AT và MT, còn giấy phép MT thì chỉ được lái MT”, anh Phong cho biết.

Do đó, anh Phong khuyến cáo: Các tài xế cần phải làm quen với chiếc xe mà mình sẽ lái trước khi khởi động và lưu thông trên đường vì mỗi xe có “tính cách” khác nhau do đó cần phải hiểu để đưa ra các xử lý tình huống hợp lý nhất. Cộng với đó, cần đi với vận tốc vừa phải và quan trọng là phải phù hợp với khả năng kiểm soát của mỗi tài xế, có như vậy mới không bị cuống, phán đoán đúng khi gặp các sự cố bất ngờ.