Sữa học đường: Sữa tươi đủ khả năng cung ứng

VOVGT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định nguồn sữa tươi hiện nay đủ khả năng cung ứng cho chương trình Sữa học đường.

>>> Sữa học đường: 'Nếu được chọn, tôi sẽ chọn sữa tươi'

 

Theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường thì sữa tươi sẽ được sử dụng cho chương trình này. Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn sữa tươi trong nước có đủ để cung cấp cho Chương trình Sữa học đường hay không?

Nhiều người lo ngại rằng nguồn cung cấp nguyên liệu sẽ không đủ cho chương trình Sữa học đường

Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thứ ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, có khả năng sẽ thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu nếu sử dụng sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường:

“Chúng tôi đã tính toán, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, sản lượng sữa tươi trong nước, nếu chia bình quân đầu người thì sẽ là 9 lít/1 người, nhưng hiện tại tiêu thụ bình quân là 26 lít/1 người, có nghĩa là mới đáp ứng được một phần 3 nhu cầu. Đó là tính bình quân đầu người. Nếu có bao nhiêu sữa tươi đều mang ra phục vụ sữa học đường thì không làm được việc đó.”

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VOV, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, với năng lực chăn nuôi bò sữa và chế biến hiện nay, ngành chăn nuôi bò sữa và ngành sữa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa tươi của Chương trình sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa hoàn nguyên (pha từ sữa bột).

Cũng theo ông Chinh, sản lượng sữa tươi nguyên liệu thu được từ chăn nuôi bò sữa trong cả nước năm 2017 là hơn 800 nghìn tấn. Năm 2018 sản lượng sữa tươi nguyên liệu khoảng 980 nghìn tấn. Trong khi đó, ước tính sẽ có 7 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường. Với mỗi học sinh uống 220 ml sữa tươi/1 ngày trong 9 tháng học thì tổng lượng sữa tươi tiêu thụ sẽ khoảng 510 nghìn tấn, chỉ chiếm một nửa sản lượng sữa tươi thu được từ chăn nuôi bò sữa mỗi năm.

Cùng quan điểm này, ông Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, nên sử dụng sữa tươi trong Chương trình sữa học đường và nguồn sữa tươi nguyên liệu hiện nay đủ khả năng cung ứng cho Chương trình Sữa học trường, nếu không muốn nói là thừa khả năng cung ứng. Nguồn sữa tươi nguyên liệu phân bố không đều giữa các vùng thì chỉ cần điều phối và sắp xếp lại khu vực chăn nuôi là sẽ ổn thỏa:

“Nguồn sữa tươi trong nước hiện nay ước tính sản xuất ra trong năm 2018 khoảng 950.000 tấn. Nếu sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường thì vẫn đảm bảo. Sữa tươi tốt hơn sữa hoàn nguyên vì không có gì tốt bằng sữa mẹ và sữa bò tươi cũng thế.”

Nhiều chuyên gia nông nghiệp và dinh dưỡng còn cho rằng, sử dụng sửa tươi trong Chương trình Sữa học đường còn góp phần khuyến khích chăn nuôi bò sữa nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển. Người chăn nuôi bò sữa sẽ mở rộng quy mô vì có thêm “đầu ra” cho sản phẩm, khi các doanh doanh nghiệp đặt mua sữa tươi nhiều hơn.

Chương trình Sữa học đường đã được Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016 và đang được các tỉnh, thành phố triển khai. Chương trình này được đánh giá là nhân văn, giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học.

Trong 7 mục tiêu của Chương trình, có mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình sữa học đường. Cũng đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị và nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi ở nước ta tăng 1,5-2 cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010./.