Sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự ATGT

Bộ Tài chính xin ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo trật tự ATGT.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT

Theo đó, nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung như sau: Theo điểm e, g, Khoản 2, Điều 3 thêm các chi phí như vận hành số điện thoại đường dây nóng về trật tự ATGT; thực hiện các nhiệm vụ phối hợp tăng cường bảo đảm trật tự ATGT phát sinh đột xuất trong năm với các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương.

Đồng thời, điểm h, I, Khoản 4, Điều 3 cũng được bổ sung về chi phí vận hành số điện thoại đường dây nóng về trật tự ATGT; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, đảm bảo không trùng lắp với các nguồn kinh phí khác.

Ngoài ra, tại điểm a, Khoản 1, Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự ATGT. Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, đoạn băng hình - video clip) để tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông.

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung và mức hỗ trợ, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ.

Mặt khác, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về “Lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT. Cụ thể, đối với địa phương, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban An toàn giao thông các cấp lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT theo nhiệm vụ được giao gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Riêng đối với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an phường, thị trấn gửi cơ quan tài chính cùng cấp địa phương, đồng gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý chung lực lượng của ngành Công an.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn; quyết định cụ thể mức hỗ trợ cho lực lượng công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn theo quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

Riêng năm 2019, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT được điều tiết từ ngân sách trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, ưu tiên cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách năm 2019.

Kinh phí địa phương bố trí để lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn được thực hiện bằng hình thức rút dự toán.