Sống trong may rủi

Chuyện nhiều phụ huynh ở phường Hoàng Liệt, (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) phải hy vọng vào lá thăm may rủi cho cơ hội được học mầm non cho con em mình vốn là điều không bình thường trong suy nghĩ của số đông. Nhưng, thực tế, đó là cách phù hợp nhất trong điều kiện quá tải học sinh ở không chỉ quận Hoàng Mai.

Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai chia sẻ với báo chí trong năm học này, toàn quận tăng thêm 3700 học sinh khối công lập, chưa kể ngoài công lập, toàn quận thiếu khoảng 470 giáo viên, và có khoảng 70 trường mầm non tư thục phải đóng cửa do Covid.

Tốc độ tăng dân số cơ học ở các quận huyện tại Hà Nội trong những năm gần đây là điều khiến cho không chỉ trường mầm non, mà mọi thiết chế hạ tầng dân sinh, từ giao thông, đến y tế, giáo dục đều quá tải. Vì thế, bốc thăm may rủi dù không phải phương pháp dễ hình dung về mặt hành chính, nhưng là giải pháp khả dĩ nhất có thể lựa chọn trong tình huống này.

Khi nhu cầu học sinh vượt quá khả năng cung ứng, các nhà trường không thể nhồi nhét học sinh, bất chấp các tiêu chuẩn hiện hành. Vì thế, sẽ buộc phải có những người không được đáp ứng. Vấn đề là ai sẽ bị từ chối.

Nếu phân loại bằng việc tăng học phí, người nghèo sẽ là nhóm bị từ chối dịch vụ.

Nếu xét các tiêu chí phụ như hoàn cảnh gia đình, lý lịch tư pháp thì không thể đủ nguồn lực để phân loại hồ sơ.

Bốc thăm, dù có yếu tố may rủi, nhưng là giải pháp duy nhất đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, trong tình huống này.

Nên vấn đề trong câu chuyện này không phải là nên bốc thăm hay không. Mà làm thế nào để hạn chế những hệ lụy của sự quá tải cư dân đô thị, làm thế nào để cung cấp hạ tầng dân sinh phù hợp với tốc độ tăng dân số?

Thực ra, không một chính quyền đô thị nào có thể cung cấp đủ hạ tầng dân sinh cho cộng đồng khi mà việc tăng dân số hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung các dự án nhà ở thương mại.

Vì thế, câu chuyện này cần được giải quyết từ gốc, tức là kiểm soát việc tăng dân số cơ học, để nguồn cung nhà ở buộc phải song hành với nguồn cung hạ tầng dân sinh cơ bản.

Theo đó, mỗi một dự án nhà ở thương mại được phê duyệt buộc phải đi kèm hạ tầng dân sinh cơ bản như giao thông, giáo dục, không gian công cộng phù hợp với quy mô dân số. Trên thực tế, các dự án nhà ở thương mại luôn có quỹ diện tích thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng hạ tầng thương mại dịch vụ cho hoạt động giáo dục thì chi phí sẽ cao, không phù hợp với đa số người dân, và các nhà đầu tư dịch vụ giáo dục cũng không thể dành nguồn tài chính đủ tốt để thu hút nhân lực, khi chi phí mặt bằng quá lớn.

Vì thế, để các đơn vị dân cư mới luôn đi kèm với năng lực cung ứng hạ tầng giáo dục, ngoài viêc quy định dành quỹ đất, thì diện tích mặt bằng giành cho giáo dục cũng cần được tách rời phần diện tích dịch vụ thương mại, và giá thuê phải rẻ, thậm chí là ễn phí, kèm theo đó là cam kết về học phí mà đơn vị cung cấp dịch vụ tính với cư dân của dự án.

Ngân sách chính quyền địa phương không thể nào bố trí kịp để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của những đơn vị dân cư mới hình thành liên tục. Vì thế, yêu cầu về hạ tầng dịch vụ thiết yếu, với chi phí phù hợp với người dân trong phân khúc nhà ở được cung cấp cần phải là tiêu chí bắt buộc để chính quyền địa phương có thể chấp nhận việc hình thành các đơn vị cư dân mới.

Nếu không quyết liệt với nguyên tắc này, người dân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc đối mặt với các lá thăm may rủi cho cuộc sống và tương lai của mình.