Sợi tơ xanh dệt nên sự sống

Sự sống được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng cho con người vốn bao la vô cùng vô tận. Vì thế, nhiều người nông dân theo đuổi con đường làm nông nghiệp sạch chỉ với tâm niệm góp 1 chút sức lực để tỏ lòng trân quý, biết ơn với thiên nhiên.

Bao sợi dứa mềm mại, trắng muốt được làm ra từ những lá dứa gai góc, xù xì cùng bao tâm huyết, vất vả của người nông dân đã dệt nên cuộc sống hạnh phúc giao hòa giữa con người và đất trời….

 

Hạnh phúc là 2 từ được nhắc đến nhiều nhất đối với những người dành nhiều tâm huyết cho cây dứa như Nguyễn Văn Hạnh, và bà con nông dân tại HTX Hạnh Phúc, Nghệ An.

Tất nhiên, đối với Nguyễn Văn Hạnh, hạnh phúc không phải là kết quả, là đích đến, mà đó thực sự là một hành trình của lòng biết ơn và trưởng thành.

Từ 1 chàng trai ngoài 20 tuổi, sẵn sàng từ bỏ công việc thuyền trưởng với mức lương vài chục triệu để trở về quê hương, gắn bó với cây dứa đang bị chính người nông dân bỏ quên trên đồng ruộng, Nguyễn Văn Hạnh luôn khắc nhớ cảm xúc xót xa ngày ấy, làm động lực cho quyết tâm theo đuổi cây dứa đến cùng của mình:

"Sợi dứa này là ở VN chưa đơn vị nào làm cả, Hạnh đã cầm sợi dứa đi khắp nơi, kể cả về các làng nghề Nam định dệt truyền thống, thái bình, rồi đi cả lên các bản làng dệt thổ cẩm họ cũng đều lắc đầu vì không thể nào se được sợi, đi khắp từ nam ra bắc không làm được. Nhiều lúc tưởng chừng như không có đường hướng mà đi tiếp, ai cũng nghĩ là không làm được".

Anh Nguyễn Văn Hạnh, chàng trai ngoài 20 tuổi, sẵn sàng từ bỏ công việc thuyền trưởng với mức lương vài chục triệu để trở về quê hương, gắn bó với cây dứa đang bị chính người nông dân bỏ quên trên đồng ruộng

Từ khối lượng lớn lá dứa rất khó phân hủy, bị vứt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch, thậm chí bà con không sức nào xử lý nên phun thuốc cỏ cháy để cây dứa chết khô rồi đốt, Thạc sĩ Vũ Thị Liễu – CEO của Ecosoi - người đồng hành cùng Nguyễn Văn Hạnh và cũng là một người nghiên cứu về lĩnh vực môi trường thực sự lo lắng cho hậu quả để lại từ việc xử lý lá dứa theo cách làm này của bà con nông dân:

"Nếu người dân họ chỉ đơn giản thấy là đốt tạo ra khí thôi, còn mình là người làm về môi trường thì hiểu là ngoài việc ô nhiễm môi trường không khí ra thì toàn bộ hệ vi sinh trong đất sẽ chết, rồi nước mưa xuống thì nó sẽ ngấm xuống nước ngầm và chảy ra nước mặt, nhưng bà con thì không cảm nhận được và họ cũng không biết những thuốc đó khá là độc hại và đã bị cấm. Dưới góc độ về môi trường thì mình thấy nó rất là kinh khủng".

Khối lượng lớn lá dứa rất khó phân hủy, bị vứt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch, thậm chí bà con không sức nào xử lý nên phun thuốc cỏ cháy để cây dứa chết khô rồi đốt

Với sự biết ơn mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương vị ngọt của quả dứa, Nguyễn Văn Hạnh và những người bạn đã mày mò, sáng tạo để tận dụng mọi thứ từ cây dứa, tạo ra quả ngọt gửi tặng lại cho đất trời thay cho lời cảm ơn chân thành nhất.

Bao đôi tay đã ệt mài trau chuốt từng lá dứa gai góc, sắc nhọn thành sợi tơ mềm mại, thành cuộn chỉ, tấm da thực vật, tấm vải thời trang, làm giàu lại cho đất mẹ, cho thiên nhiên và cũng là kế sinh nhai cho chính họ.

"Nó mở ra 1 chặng đường mới là bà con sẽ có thêm công ăn việc làm, nguồn sợi này lại phục vụ cho thời trang bền vững, thân thiện với môi trường, cái thịt ra thì mình tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, bón trả lại cho cánh đồng. Không gì bằng nền kinh tế tuần hoàn…"

"Nếu người nào hiểu được ý nghĩa của việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông nh và tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội thì người ta sẽ trân trọng điều đó", Nguyễn Văn Hạnh tâm sự.

Lá dứa gai góc, sắc nhọn thành sợi tơ mềm mại, thành cuộn chỉ, tấm da thực vật, tấm vải thời trang...

Những sợi tơ xanh mỏng manh từ lá dứa đã dệt nên cuộc sống đầy màu xanh và hy vọng cho con người và thiên nhiên.

Rồi mai này, không chỉ bà con nông dân trực tiếp trồng dứa, mà nhiều bà con ở các làng nghề đang mai một có thể tiếp tục với nghề, những người khuyết tật yếu thế có thể làm công việc se sợi từ lá dứa…trong niềm hoan ca hạnh phúc cùng đất trời…