Sinh thái đô thị với tác động từ hiệu ứng "Mùa xuân đến sớm"

Theo cơ quan khí tượng, trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tính dị thường, trong đó cực đoan của khí hậu khiến thời gian mùa đông có thể ngắn lại và mùa xuân đến sớm hơn. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi của hệ sinh thái, trong đó có sinh thái đô thị.

Chị Hoàng Thị Minh ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, thời tiết mùa đông của nhiều năm gần đây, chị cảm thấy có những diễn biến bất thường:

"Mùa đông mấy năm nay không còn quá lạnh như trước đây, tôi cảm thấy như mùa đông ngắn lại và trong những đợt rét lại có mưa bụi như mưa xuân"

Theo TS Trần Thiện Cường - Phó Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiệt độ trung bình trái đất tăng lên bởi sự gia tăng các khí nhà kính trong khí quyển. Khi nhiệt độ trái đất tăng làm cho mùa đông trở nên ngắn hơn và ấm hơn, dẫn đến mùa xuân đến sớm hơn. Đây là một dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu khiến các mô hình thời tiết truyền thống thay đổi và sự chuyển giao các mùa không còn rõ ràng như trước:

"Mùa xuân đến sớm, mùa đông thì thu hẹp, mùa hè có xu hướng tăng lên, tác động của ánh sáng mặt trời xuống trái đất cũng dài hơn. Khi đó sẽ thay đổi các chu trình phát triển của thực vật, các loài sinh vật cũng bị ảnh hưởng lớn", TS Trần Thiện Cường cho biết.

Ảnh nh hoạ

TS Trần Thiện Cường đánh giá, tác động của hiệu ứng "Mùa xuân đến sớm" tới các khu vực đô thị là khiến ô nhiễm không khí gia tăng. Bởi mùa xuân sớm, nhiệt độ tăng cao có thể làm tăng các phản ứng hóa học trong không khí, dẫn đến sự hình thành các chất ô nhiễm như ozone, gây hại cho sức khỏe con người; đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng nước khi thay đổi chu kỳ sinh trưởng của các loài thủy sinh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông, hồ tại các khu đô thị.

Mùa xuân sớm cũng tăng nguy cơ cháy nổ bởi mùa khô kéo dài và nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ cháy rừng mà có thể làm gia tăng các nguy cơ cháy nổ ở các đô thị. Thêm vào đó là gia tăng các loài gây hại vì nhiệt độ ấm áp và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài côn trùng, vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Hào, chuyên gia sinh thái nhiệt đới chia sẻ, chúng ta thường mong đợi mùa xuân với những cơn mưa nhẹ, hoa nở rộ và cảm giác ấm áp tràn về. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi mọi thứ, kể cả thời điểm bắt đầu mùa xuân và những lợi ích mà mùa xuân mang tới.

Do đó, theo ông Hào vấn đề quan trọng là phải giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với khu vực đô thị; "Cần phải thay đổi cả về mặt kiến trúc, tăng thảm tươi, thảm xanh trong phố, chuyển từ thảm xanh mặt bằng sang các vườn cây đứng, vườn treo, vườn trên mái, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ thảm xanh trên đầu người đạt từ 5-8m2"

Các chuyên gia môi trường cũng nhìn nhận, bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng xanh và xây dựng các công trình xanh trong đô thị để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thì còn cần phát triển các hệ thống cảnh báo sớm về các hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách về quy hoạch đô thị, giao thông, năng lượng để thích ứng với biến đổi khí hậu.