Dưới đây là góc nhìn của những chuyên gia - những người “nặng tình” với Sài Gòn - TP.HCM.
"THUẬN LỢI CHO GIAO THƯƠNG, ĐI LẠI NHƯNG CHƯA ĐỦ"
Đó là ý kiến của Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến - Ủy viên BCH Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam và TP.HCM.
Nên phục dựng những cảnh quan truyền thống
Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến
Khi xây dựng Metro, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay phá bỏ nhiều công trình cũ ở trục giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ, người dân chứng kiến sự thay đổi của cảnh quan ngay trung tâm thành phố.
Đầu tiên phải nói đến là Công trường Lam Sơn, mở đầu đường Lê Lợi không còn như cũ, hai hàng cây cao đã bị phá bỏ. Vòng xoay Lê Lợi - Nguyễn Huệ trước đây có một hồ nước được xây dựng từ năm 1942 đã bị phá bỏ cùng thương xá Tax; từ giao lộ đó đến bùng binh chợ Bến Thành (hay còn gọi là Công trường Quách Thị Trang) cũng đã nhiều sự thay đổi.
Nhiều người, trong đó có cả các bạn trẻ nhớ lại cảnh quan đại lộ Lê Lợi từ Nhà hát Lớn đến Chợ Bến Thành đã thay đổi qua 50 năm, nên thực sự xúc động.
Do vậy, việc tái lập mặt đường Lê Lợi rất tốt. Nó không chỉ phục hồi hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại bắt đầu từ trước chợ Bến Thành kéo dài đến Khách sạn Rex, dãy phố đối diện với Bệnh viện Sài Gòn; bên cạnh đó, ngày xưa có rạp hát Vĩnh Lợi và một căn hộ cao tầng đã không còn nữa, chỉ còn lại là một cái chợ tạm.
Hai bên là hai dãy phố thương mại, dãy phố đối diện với bệnh viện Sài Gòn là dãy phố cổ từ năm 1920 - 1930, có nhiều cửa hàng, tiệm cafe, nhà hàng nho nhỏ, tiệm bán vàng bạc, trong 8 năm qua đã không thể hoạt động được.
Nhiều năm nay, chúng ta còn thấy một “vết thương” đau lòng, mảng đất trống trước từng là Thương xá Tam Đa. Từ chỗ đó đến khách sạn Rex cũng có nhiều cửa tiệm và do 8 năm đóng cửa nhiều cửa hàng cũng xuống cấp.
Việc phục hồi lại đường Lê Lợi và câu chuyện tái lập mặt đường để người dân đi lại, giao thương thuận lợi là cần thiết, nhưng chưa đủ.
Đầu tiên, cần phải xác định những cảnh quan nào truyền thống có thể dựng lại được thì nên phục dựng. UBND TP. HCM đã có quyết định hay: tái lập lại bùng binh Cây Liễu, đó chính là hồ nước ngay giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ.
Nhưng điều quan trọng là vẫn chưa tái lập được giao lộ vì xe cộ vẫn chưa lưu thông xung quanh hồ nước. Một mặt nào đó phản ánh ý nghĩa về mặt “phong thuỷ” - đó cũng là một điều rất tốt. Kế đến, hai hàng cây trên đường Lê Lợi cũng cần phải được khôi phục lại. Nhiều hàng cây có tuổi đời cả trăm năm đã biến mất.
Kế đến là hàng cây ở khu vực từ bùng binh chợ Bến Thành đến ngã tư Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vừa rồi, chúng tôi có dự buổi lễ chào mừng tái lập mặt đường, người dân ở Chung cư 88 Lê Lợi có phản ánh, nơi này trước có cây xanh nhưng giờ thì trơ trọi.
Nên định nghĩa thế nào là phố đi bộ
"Khi chúng ta tái lập mặt đường, tái lập giao lộ, tái lập cây xanh, tái lập lại công trình lịch sử tiêu biểu, sẽ tái lập lại không khí văn hoá của một đại lộ nổi tiếng, quen thuộc của Sài Gòn, chứ không chỉ là hoạt động thương mại", Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến nói và phân tích thêm:
Một số ý kiến cho rằng, nên biến đại lộ Lê Lợi tiếp nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tôi cho rằng nên làm, nhưng phải định nghĩa rõ thế nào là phố đi bộ.
Ở Nguyễn Huệ, nơi đó cuối tuần bạn trẻ ra rất đông, tuy nhiên, sự hấp dẫn của một tuyến phố đi bộ không nằm ở việc không cho xe vào mà là hoạt động của tuyến phố đó.
Trên thế giới như ở New York có quảng trường Times Square (Thời Đại). Nhiều nước ở châu Âu, xung quanh toà thị chính cũ, những gì gọi là “Old Town” thì làm phố đi bộ; ở đó có những ngôi nhà cổ xưa hiếm hoi.
Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, hai toà nhà cần quảng bá là điểm nhấn kiến trúc di sản đó chính là Nhà hát Lớn và trụ sở UBND Thành phố. Trên mặt lộ, phải có nhiều hoạt động văn hoá hơn. Còn hiện tại, vẫn chưa có gì đặc sắc.
Lấy ví dụ phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Tôi thấy Hà Nội làm rất tốt. Ngoài chợ đêm, có những nhóm nhạc từ ca nhạc nhẹ, hiện đại cho đến âm nhạc truyền thống, ví dụ như hát xẩm hay ca trù, chầu văn... Bên cạnh đó, còn có trò chơi dân gian cho trẻ em. Khi rảo bước ở phố đi bộ, người dân phải có cái cảm giác sống lại được một thời...
Bởi vậy, tôi nhấn mạnh, cần phải định nghĩa: phố đi bộ là như thế nào? Để chúng ta làm cho tốt, chứ không phải phố đi bộ có nghĩa là đi bộ không mà không đi xe.
Mục tiêu là làm thế nào xây dựng một tuyến phố đi bộ mà không quá “cứng nhắc”. Chúng ta cũng phải tính đến Nguyễn Huệ có nhiều khách sạn lớn ở đó. Nếu không tính toán kỹ, xe cộ không ra vào được thì du khách di chuyển rất khó khăn.
Đặc biệt, TP còn 2 “bảo vật” lớn hơn nữa là chợ Bến Thành và tòa nhà Hỏa xa đang trùng tu. Chỗ đó là trụ sở của Công ty hỏa xa Đông Dương. Tòa nhà đó có cùng niên hạn, cùng thời gian với chợ Bến Thành, tức là năm 1914.
Chúng ta cũng không nên coi chợ Bến Thành chỉ là mặt tiền, mà phải nghĩ đến xung quanh, các con phố như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lê Thánh Tôn, rồi những con đường nhỏ như Lưu Văn Lang, Nguyễn An Ninh, v.v… đều là những khu phố cổ.
Hãy đóng góp những ý tưởng, nhất là giới trẻ
Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng: Một thời gian chúng ta làm chợ đêm nhưng chưa hấp dẫn. Chúng ta cần hình dung, nếu hai báu vật kiến trúc đó ban đêm được chiếu đèn nghệ thuật; để biến mặt tiền thành màn ảnh, thể hiện những hình ảnh xưa thì rất tuyệt vời.
Nếu tổ chức một cuộc thi ý tưởng, chắc chắn những người yêu thành phố này, đặc biệt là giới trẻ, sẽ góp được nhiều ý tưởng hay. Phải coi tuyến phố Lê Lợi, phải coi chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, phố Nguyễn Huệ, đường Lê Thánh Tôn rồi Đồng Khởi... là khu vực trung tâm của trung tâm, để cả thành phố này nâng niu, cả thành phố này đóng góp.
Để làm được những việc đó, không thể trong một ngày, giống như chúng ta mất 8 năm trời...
Chính vì vậy, tôi cho rằng ngay từ bây giờ, UBND Thành phố cũng như UBND quận 1 nên làm một cuộc khảo sát xem cái gì còn, cái gì mất, cái gì đã hư hại. Ví dụ, người dân chung cư 88 Lê Lợi nói rằng, khi xây Metro ngầm có thể ảnh hưởng đến cống rãnh, rồi nhà ở đang xuống cấp quá...
Bên cạnh đó, phải khảo sát cả về cây xanh, mặt đường, vấn đề vệ sinh, rồi chất lượng của những công trình xây dựng xung quanh và vấn đề giao thông.
Cũng không nên chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, mà phải huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, của người dân, của những Tổ chức phi Chính phủ…
Thách thức nữa, phải tính toán tương tác giữa khu vực trung tâm này với các khu vực xung quanh. Ví dụ, chỉ cần tiến thêm một bước về phía bờ sông, bên kia là thành phố Thủ Đức. Chúng ta không nên chỉ làm một bên mà không tính toán đến bên phía bờ sông bên kia tương tác như thế nào. Đã có những ý kiến đề nghị làm cầu đi bộ...
Và đặc biệt cần phải giáo dục lịch sử. Người dân, nhất là giới trẻ nếu không biết được giá trị lịch sử của tòa nhà trụ sở UBND TP, chợ Bến Thành, Bệnh viện Sài Gòn, thương xá… thì sẽ không cảm thấy quý giá.
Những người trẻ, hoặc ngay cả những người lớn tuổi sẽ nghĩ rằng, ở thành phố hiện đại có nghĩa là phải nhà cao tầng, phải là đường toàn xe hơi… Chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề lớn đó. Những cảnh quan xưa, những kiến trúc xưa, những cái gì hay, đẹp của quá khứ hoàn toàn không phải chỉ để hoài cổ, mà là một phần của kinh tế.
Đừng để mất mát rồi mới nuối tiếc
Kinh nghiệm lớn nhất xuyên suốt 8 năm qua là phải có cái nhìn tổng thể, phải cân bằng, phải có quan điểm phát triển kinh tế nhưng cân bằng với văn hóa, với giáo dục, Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến nhận định và phân tích thêm:
Những cảnh quan xưa, những kiến trúc xưa, những cái gì hay, đẹp của quá khứ hoàn toàn không phải chỉ để hoài cổ và để trong tủ kính mà là một phần của kinh tế - "kinh tế di sản".
Nếu chúng ta phát huy tốt, công nghiệp du lịch không phải chỉ đưa du khách để đến xem một thành phố; mà còn phải cho thấy những nét đẹp điển hình của một thành phố vài trăm năm tuổi trước khi hiện đại hoá.
Tôi cho rằng là đây là lúc mà chúng ta nhìn lại, đừng để cảm thấy mất mát rồi “mới lo làm chuồng”.
Những người làm quy hoạch phải có kiến thức về lịch sử thành phố này và phải sống với ký ức của một đô thị 300 năm tuổi.
PHẢI HIỂU ĐƯỢC GIÁ TRỊ TUYẾN PHỐ BẢN LỀ
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng: Phải hiểu được giá trị của tuyến phố bản lề giữa khu trung tâm di sản và khu trung tâm mới.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ là khu vực sinh hoạt trung tâm khá sầm uất của Sài Gòn xưa. Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Lợi là một thành phần quan trọng của tam giác Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi, trong đó trục Lê Lợi là dịch vụ, thương mại và hàng hoá; trục Nguyễn Huệ là hành chính và trục Hàm Nghi kinh tế - tài chính - ngân hàng.
Bởi vậy, khi chỉnh trang tuyến phố cần lưu ý phố Lê Lợi là khu vực bản lề giữa khu trung tâm di sản và khu trung tâm mới.
Hơn 300 năm phát triển, khu trung tâm lịch sử của TP.HCM tạm gọi là khu vực tập trung khá nhiều công trình di sản nằm trong tứ giác Lê Lợi - Nguyễn Thị Minh Khai - Nhiêu Lộc Thị Nghè - Cách mạng Tháng Tám.
Vị trí của đường Lê Lợi có giá trị khá đặc biệt. Tôi rất hy vọng khi tái lập lại hoạt động sầm uất trong tuyến đường này, vừa có ý nghĩa về di sản, vừa có ý nghĩa tương lai.
Chúng ta thấy các công trình di sản như Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, nhưng cũng có những công trình hiện đại của thế kỷ 21: Tháp đôi trước Chợ Bến Thành và sắp tới xây dựng Trung tâm mới của Thương xá Tax.
Lê Lợi cũng là một trục không gian ngầm khá quan trọng vì hai trạm của Metro là trạm Bến Thành và trạm trước UBND TP gần nhau. Nhìn từ kinh nghiệm của New York, Paris, đây cũng là một cơ hội để phát triển không gian ngầm.
Không gian ngầm Lê Lợi có thể coi là không gian ngầm quan trọng nhất của TP. HCM. TP đã có dự tính, nhưng chưa có một quy hoạch không gian ngầm xứng tầm.
Đường Lê Lợi có một điểm khá đặc biệt đó là nối hai công trình lịch sử khá quan trọng của TP là chợ Bến Thành và Nhà hát TP. Bởi vậy, cần có một đồ án quy hoạch toàn diện phần mặt đất, không gian ngầm và kết nối trên cao.
BỘ MẶT MỚI NHƯNG CẦN GIỮ ĐƯỢC HỒN CỐT XƯA
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng: Việc tái lập đường Lê Lợi khiến cho không gian đô thị như được “vỡ oà”, thông thoáng và trở lại như nó vốn có. Về vấn đề quy hoạch phố đi bộ cho Lê Lợi thì đã có từ lâu. Trong quy hoạch đã định hình ra ba tuyến chính là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Hàm Nghi với công năng, chức năng khác nhau.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ dành cho các sự kiện, những ngày lễ lớn; phố đi bộ Lê Lợi là phố đi bộ thương mại; và Hàm Nghi là phố đi bộ dịch vụ.
Tuyến phố Lê Lợi với chức năng là phố đi bộ thương mại kết hợp với hệ thống thương mại ngầm nằm ở tuyến Metro để không gian và các dây chuyền kết nối thương mại phía trên và phía dưới sẽ tạo ra khu trung tâm sầm uất, hợp lý đối với một thành phố đông dân nhất nước.
Hiện TP đã giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất tái lập cảnh quan làm sao để vẫn giữ được hồn cốt của tuyến phố xưa và phù hợp với tuyến Metro trong tương lai.
Trong quy hoạch của khu vực mới có những công trình được đưa vào như Chợ Bến Thành phải được giữ nguyên, tái lập tượng Trần Nguyên Hãn và tượng đài Quách Thị Trang. Tái lập này phù hợp với quy hoạch Khu trung tâm 930 ha đã được phê duyệt.
Ngoài ra cũng phải nghiên cứu những công trình đã bị xuống cấp thì cần nâng cấp mặt tiền và có sự nối kết giữa không gian ngầm và không gian bên trên.
Sau khi quy hoạch mới được duyệt, tôi tin rằng TP sẽ tạo được một bộ mặt mới nhưng vẫn giữ được hình ảnh xưa, hồn cốt mà người dân TP. HCM và du khách mong muốn lưu giữ.