Sẽ ra sao nếu doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu?

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, với điểm mới là cho các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Cơ quan soạn thảo cho hay, dự thảo dự kiến tiến dần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu quyết định giá bán. Nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định.

Nếu nội dung mới này được áp dụng, kịch bản nào sẽ xảy ra? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này.

 

PV: Thưa ông, thay vì nhà nước can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu như trước, tại dự thảo mới nhất về kinh doanh mặt hàng này, Bộ Công thương đã nới lỏng, cho phép doanh nghiệp tự quyết định mức giá trong giới hạn giá tối đa đã được tính toán theo công thức.  Ông đánh giá thế nào về thay đổi này, nếu được thông qua?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, chúng ta đang muốn xây dựng thị trường xăng dầu có tính thị trường thực thụ. Nhưng chúng ta chưa tới được giai đoạn để thị trường tự do.

Vì vậy, cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được bán lẻ với giá tự do với mức giá nhà nước khống chế trong một khoảng thời gian, điều đó sẽ cho phép các doanh nghiệp tự đặt được các chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh, tự quyết định giá bán phù hợp.

Và như vậy, họ sẽ dần thực hiện theo kinh tế thị trường.

Cần lưu ý, không phải họ tự định ra, mà là đưa ra mức giá trong giới hạn mà nhà nước cho phép. Đây có lẽ là một phép thử của Bộ Công thương xem các doanh nghiệp có thể tự định giá và bán rẻ hơn mức tối đa mà nhà nước đặt ra, để từ đó xây dựng nên một thị trường theo kinh tế thị trường. Còn lại thì việc tổ chức hệ thống như thế nào cho phù hợp. Cái đó chúng ta cần xem xét nghiên cứu tiếp.

PV: Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra nếu chúng ta thay đổi việc công bố giá xăng dầu theo cách mới?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng, các doanh nghiệp đầu mối được quyền công bố giá bán của mình, còn các doanh nghiệp bán lẻ được quyền tiếp cận mua của nhiều đầu mối khác nhau để mua được với cái giá phù hợp hơn. Trên cơ sở tính toán chi phí vận chuyển, lãi lỗ, rồi các chi phí khác, từ đó doanh nghiệp bán lẻ đưa ra giá bán ra thị trường. Tất nhiên, không thể có giá bán cao hơn mức nào.

Tôi cho rằng, về cơ bản, người dân sẽ được hưởng giá rẻ hơn do tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ vì họ tự cạnh tranh với nhau để đưa được giá phù hợp hơn tới người dân. Tất nhiên, cũng có những tình huống khó khăn, khi xăng dầu thế giới tăng cao hoặc khan hiếm như trong tháng 3-4/2022.

Lúc đó, chắc chắn cần cơ chế điều chỉnh cũng như xử lý nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong tình huống đột biến.

Người tiêu dùng có thể sẽ được hưởng mức giá rẻ hơn nếu thương nhân được quyền tự quyết giá xăng dầu theo công thức tính giá quy định. Khi đó, các nhà bán lẻ sẽ cạnh tranh nhau bằng giá

PV: Vâng, như vậy kịch bản sẽ đi theo hướng người tiêu dùng được hưởng mức giá xăng dầu rẻ hơn so với trước đây. Dự thảo Nghị định mới vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quan điểm của ông thì sao?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Tôi vẫn là người từ trước tới nay giữ quan điểm là nên giữ quỹ bình ổn để có thể điều chỉnh, hỗ trợ cho nền kinh tế trong khi giá dầu có sự biến động đột biến. Tất nhiên, nếu không điều chỉnh kịp thời cơ chế, cách thức quản lý quỹ như thời gian qua, rất dễ xảy ra những vấn đề như thời gian trước gặp phải.

Nhưng với sự nhìn nhận, sửa đổi của các cơ quan quản lý, chúng ta hy vọng rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được quản lý chặt chẽ, hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!