Đứng đợi xe buýt trên đường Nguyễn Văn Linh (QL5 đoạn qua Big C Long Biên), bà Hoàng Thị Cẩm, ở Gia Lâm, cảm thấy nóng bức và khói bụi ngột ngạt hơn. Bà cho biết, trước bão, hàng cây sấu, xà cừ ở đây trồng san sát rất đẹp, nay gãy đổ gần hết và chỉ còn là đống “củi khô” được xếp la liệt ven đường:
"Còn cây xanh thì người dân đi lại mát mẻ. Do trận bão vừa qua bây giờ nó đổ thì người dân quá tiếc nuối. Dựng lại cây như thế thì quá lâu nó mới lại to được như thế."
Theo thống kê của Sở Xây dựng, do ảnh hưởng của bão Yagi, hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ, trong đó có nhiều cổ thụ, cây quý hiếm. Dự kiến chỉ có khoảng 3.000 cây có thể cứu được.
Với những tuyến phố nổi tiếng có hàng cây đẹp, không gian trở nên lạ lẫm với nhiều người. Dạo bước trên phố Phan Đình Phùng gần nhà, anh Nguyễn Đình Hưng cảm thấy hụt hẫng khi những gốc cây quen thuộc đã không còn: "Không gian xanh xung quanh mình bị phá hỏng rất nghiêm trọng và đột ngột. Các công viên hay đường giao thông sẽ nóng bức hơn, và thành phố có thể sẽ nhiều bụi hơn trong một thời gian. Tôi hy vọng những cây đã bị gãy đổ sẽ phục hồi nhiều nhất có thể. Có rất nhiều cây quý và đẹp bị gãy đổ, như cây sưa, cây sấu ở phố Phan Đình Phùng chẳng hạn. Tôi hy vọng trồng lại những cây thay thế cũng là giống cây đó, để khôi phục không gian quen thuộc và đẹp cho thành phố".
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội và hàng trăm nghìn cây xanh ở các tỉnh thành ền Bắc đã chắn gió, giảm thiệt hại rất nhiều trước khi siêu bão quật vào nhà cửa, cơ sở hạ tầng.
Hà Nội mất đi số lượng cây xanh chưa từng có, đồng nghĩa mất đi một phần “giáp chắn” bảo vệ thành phố khỏi giông bão cũng như nắng nóng, khói bụi và tiếng ồn; mất đi môi trường sống của các loài sinh vật, làm suy yếu chức năng sinh thái của mảng xanh đô thị, suy yếu khả năng ứng phó biến đổi khí hậu. Do vậy, Thành phố cần có ngay những giải pháp khắc phục và lên kế hoạch bảo vệ cây xanh trước những trận bão tiếp theo.
"Đầu tiên, chúng ta cố gắng trồng lại ngay tất cả cây bị gãy đổ mà có thể cứu được. Với những cây gãy dập nhiều thì mình có thể mang nó về vườn ươm để chăm sóc, cứu hộ một thời gian. Những hố để trồng cây thì mình phải đào đủ sâu, đủ rộng.
Ngoài ra, cần hệ thống giá đỡ để cây không bị đổ ngã trong những trận bão tiếp theo hoặc gây thiệt hại cho người qua lại. Với những cây không thể trồng lại, Thành phố nên có kế hoạch cụ thể để trồng cây thay thế, cây cho bóng mát loại gì phù hợp yêu cầu đô thị. Hoạt động chăm sóc, giám sát phải được thực hiện chặt chẽ", bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết.
Cũng theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Hà Nội cần ít nhất 10 năm, thậm chí rất lâu để phục hồi cây xanh như trước bão, và có những cây quý đã mất thì không thể khôi phục.
Ngoài các cơ quan chức năng, sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức xã hội sẽ góp phần nhanh chóng và hiệu quả hơn việc kiến tạo lại mảng xanh đô thị độc đáo vốn là niềm tự hào của người Hà Nội./.