Sẽ cấm khuyến mại cả rượu, bia và đồ uống có cồn

VOV - Đề xuất cấm khuyến mại đối với các sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn là cần thiết để hạn chế tác hại của rượu bia.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính

Theo dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế cho rằng, nếu tính về lượng rượu nguyên chất tiêu thụ bình quân đầu người/năm thì lượng rượu nguyên chất người Việt Nam dung nạp từ bia cao hơn từ các sản phẩm rượu vì 90% sản phẩm có cồn tiêu thụ tại Việt Nam là bia. Trong khi đó, rượu và bia đều gây tác hại như nhau. 

Hiện nay, cơ chế quản lý đối với rượu, bia chú trọng đến khía cạnh thương mại, phát triển ngành rượu, bia mà không đề cập đến phòng, chống tác hại với sức khỏe cũng như kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia.

Do đó, nếu giữ nguyên như quy định hiện hành là không kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tài trợ với bia và rượu dưới 15 độ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, tỷ lệ uống rượu, bia sẽ tăng cao. Trẻ em dễ tiếp cận với rượu, bia sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Từ đó, Bộ Y tế cho rằng, các biện pháp kiểm soát hạn chế quảng cáo rượu, bia góp phần giảm chi phí của Nhà nước để giải quyết các vấn đề bệnh tật, tử vong, chấn thương và các thiệt hại khác về kinh tế - xã hội. Qua đó, cũng giảm chi phí truyền thông của Nhà nước, giúp Nhà nước có thêm phần ngân sách tiết kiệm được để chi cho phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấm khuyến mại đối với rượu, bia là kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển trên thế giới. Là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia, những quy định điều chỉnh liên quan đến rượu, bia, sau khi lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị soạn thảo là Bộ Y tế đã tiếp thu theo hướng có sự phân biệt về quy định giữa rượu và bia.

Trước những ý kiến cho rằng, việc cấm khuyến mãi và hạn chế quảng cáo rượu bia sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết:

"Các biện pháp can thiệp trong dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn phải tính đến lợi ích sức khỏe của cộng đồng. Biện pháp quản lý quảng cáo và các biện pháp khác cần phải có sự cân đối. Kiểm soát quảng cáo là biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe của người dân trong việc phòng chống tác hại của rượu bia".