Sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa

Gáo dừa không chỉ là nguyên liệu đầu vào để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, gáo dừa còn là nguồn sản xuất than hoạt tính xuất khẩu khắp thế giới.

Anh Lê Văn Phát - người thành lập Công ty TNHH Nhiên liệu xanh Tấn Lê hoạt động tại xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, với ngành nghề chủ yếu là đầu tư sản xuất than gáo dừa thiêu kết thân thiện môi trường bằng công nghệ Nhiệt phân cách ly.

PV VOV Gia thông đã có cuộc trò chuyện với anh Lê Văn Phát :

 

PV: Ý tưởng anh lựa chọn công nghệ Nhiệt phân cách ly để sản xuất than gáo dừa thiêu kết bắt đầu như thế nào?

Anh Lê Văn Phát: Ý tưởng đưa công nghệ nhiệt phân cách ly từ lúc nguyên liệu đầu vào không được chuẩn hóa và đồng đều. Vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi sản phẩm đầu ra không đạt.

Chính vì lý do đó, chúng tôi đã xem học cách nước ngoài người ta làm, cuối cùng chúng tôi chọn công nghệ Nhiệt phân cách ly này. Với mục đích sản xuất ra than gáo dừa thiêu kết đạt chất lượng cao nhất để sản xuất qua thị trường khó tính như Hàn Quốc và thị trường Trung Đông.

PV: Vấn đề mọi người cũng quan tâm là công nghệ này có khắc phục tình trạng khói bụi khi đốt than?

Anh Lê Văn Phát: Tiêu chí của chúng tôi là sản phẩm sạch và xanh. Đối với công nghệ này có thể tái tạo và thu hồi lại khí thải và bị đốt bỏ hoàn toàn.

Các thành phần thoát ra ống khói chỉ còn là khói củi, hơi nước từ ống đổ gáo dừa nên vấn đề ảnh hưởng đến môi trường rất là ít. Và cái lò có thể đặt ở khu dân cư vì tất cả thành phần khí như CO2 đã được đốt bỏ hoàn toàn khi mình tái tạo qua hệ thống phun gas tự động. 

PV: Quy trình hoạt động phương pháp này được thực hiện như thế nào thưa anh?

Anh Lê Văn Phát: Quá trình nhiệt phân qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn tách nước là giai đoạn đầu tiên, tách nước từ trong gáo ra, chỉ có hơi nước thoát ra ống khói. 

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn nhiệt độ từ 250-350 lúc này gáo dừa bị phân hủy nhiệt và các thành phần hóa học thay đổi, tạo ra chất lỏng, chất khí. Chất này được nhốt lại và chúng tôi sử dụng khí sau khi được lọc rửa này đốt ngược lại để tái tạo năng lượng.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn oxy hóa, cacbon hóa hoàn toàn nhiệt độ từ 350-450 độ lúc này gáo dừa chuyển hóa gần như hoàn toàn. Và khí lúc này thoát ra rất nhiều, tuần hoàn đi ngược lại đốt bằng khí gas chính nó.

Chính vì qua từng giai đoạn này chúng ta có thể điều chỉnh nhiệt độ để tạo ra sản phẩm tốt nhất theo yêu cầu của chúng ta. Đây chính là chìa khóa nâng cao chất lượng của than.

PV: Anh đánh giá như thế nào về chất lượng than gáo dừa thêu kiết bằng công nghệ nhiệt phân cách ly?

Anh Lê Văn Phát: Than gáo dừa thiêu kết sản xuất bằng công nghệ lò than hóa theo phương pháp nhiệt phân cách ly tạo ra than thiêu kết có chất lượng đồng đều, nhiệt trị cao, có khả năng hấp thụ oxy cao nhất, có độ xốp sơ cấp phát triển thuận lợi cho quá trình hoạt hóa sau này. 

PV: Anh có thể chia sẻ về dự định sắp tới phát triển công ty trong tương lai?

Anh Lê Văn Phát: Sắp tới đây chúng tôi đưa về một công nghệ mới hơn. Công nghệ này khi chúng tôi học hỏi cũng biết nhưng mà hồi đầu còn bỡ ngỡ về nghề than nên không dám va chạm với nó.

Bây giờ, chúng tôi hiểu rõ hơn nên chúng tôi sẽ đưa thêm công nghệ mới hơn, tức là lò quay trực tiếp. Cứ 1 tiếng sẽ thải ra 500 ký, lúc đó năng suất sẽ đạt 20 tấn 1 ngày.  

PV: Xin cảm ơn anh!