Rửa tay nước sạch và xà phòng hay sử dụng nước rửa tay khô

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ Y tế Việt Nam, việc rửa tay sạch sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều người lại có xu hướng rửa tay bằng các dung dịch cồn rửa tay khô thay vì rửa tay bằng xà phòng, với quan niệm rằng cách làm này thuận tiện, nhanh hơn mà vẫn đạt hiệu quả tuyệt đối.

Để giải thích rõ hơn về vấn đề này, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.

PV: Thưa bác sĩ, thời gian gần đây, không ít người có xu hướng sử dụng dung dịch cồn rửa tay khô để vệ sinh tay, thay vì rửa tay bằng xà phòng. Cách làm này liệu có hiệu quả hơn trong việc phòng chống Covid 19 hay không?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Rửa tay bằng xà phòng mà Bộ Y tế hướng dẫn là rất quan trọng. Con virus này nó là một chuỗi xoắn ADN được bao bọc bởi một vỏ bọc bằng chất béo.

Chỉ có xà phòng mới phá thủng được cái vỏ đó và nó làm cho con virus bị tiêu diệt. Vì vậy, rửa tay xà phòng ở dưới vòi nước ít nhất từ 20-30 giây và rửa sạch sẽ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế là an toàn nhất.

Nếu không có thì mới dùng đến các loại dung dịch rửa tay khô, sát trùng vì khả năng diệt virus của các loại dung dịch này thì không cao bằng rửa tay xà phòng. Vì vậy khuyến cáo người dân là rửa tay xà phòng, nếu có điều kiện thì rửa tay xà phòng dưới vòi nước là an toàn nhất.

PV: Vậy việc lạm dụng dung dịch cồn rửa tay khô có thể gây ra những ảnh hưởng gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Bây giờ thì có muôn hình muôn vẻ nước rửa tay khô. Nếu chuẩn chỉnh thì trong nước rửa tay khô đấy phải có cồn ethanol, một số chất khác như gel, các chất thơm.

Nhưng do vào mùa dịch, kẻ hám lợi sản xuất ra các loại nước rửa tay khô không đảm bảo tiêu chuẩn đấy, có thể có pha lẫn hóa chất. Khi hóa chất vào da sẽ gây kích ứng, dị ứng, người mà da nhạy cảm có thể gây lở loét hoặc gây tổn thương.

Nếu phải dùng thì nên mua ở những hãng có tên tuổi, độ uy tín cao, vừa bảo vệ mình không bị nhiễm trùng nhiễm khuẩn, vừa đảm bảo da tay được an toàn trước các loại hóa chất pha lẫn trong đó. 

PV: Đối với trẻ em thì bác sĩ có lưu ý gì trong việc sử dụng dung dịch cồn rửa tay khô để sát khuẩn?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Da của trẻ em rất mỏng. Nó chưa có những lớp chai, sạn, sần bên trên để bảo vệ trước nhiệt rồi những vấn đề hóa chất khác.Nếu lạm dụng dung dịch này với da trẻ con thì rất nguy hiểm. Đấy là chưa nói có những loại hóa chất khác không chỉ tổn thương ngay trên da mà còn thấm vào trong da và thấm vào lớp mỡ dưới da nếu hóa chất đó độc hại, nguy hiểm.

Nó có thể gây những tổn thương ở bên trong cơ thể vì thấm vào máu. Vì vậy, đối với trẻ em thì phải rất cẩn thận.

Ưu tiên nhất và an toàn nhất vẫn là rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước thì sẽ đảm bảo virus SarCov2 này sẽ bị phá hủy và sẽ đảm bảo không bị lây bệnh.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!