Quốc hội giám sát dự án cao tốc Bắc - Nam: Gỡ vướng cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ

Ngày 2/8, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có buổi giám sát các dự án cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Bình Thuận.

Thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ so với cam kết của các nhà thầu - Ảnh Thanh Niên

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế thực hiện khảo sát, giám sát các dự án thành phần cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông để đánh giá tiến độ. Từ đó, tìm hiểu nguyên nhân khó khăn để tháo gỡ cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn qua tỉnh Bình Thuận) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành 5 khu tái định cư cho người dân. Chỉ còn 9 trụ điện cao thế chưa di dời được, nhưng nằm ngoài diện tích thi công, không ảnh hưởng tới việc thi công.

Riêng nguồn vật liệu san lấp cho thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, UBND tỉnh thực hiện theo Nghị quyết 60 của Chính phủ đã cấp phép hơn 2 triệu m3 vật liệu (có 5/6 mỏ) đã khai thác phục vụ dự án. Hiện nay đã đáp ứng cơ bản về vật liệu san lấp.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Bộ GTVT), kể từ tháng 3/2022, tiến độ thi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mặc dù đã tăng cường thêm máy móc, thiết bị, tăng ca kíp để thi công khẩn trương nhưng vẫn chậm tiến độ.

Lý giải về nguyên nhân, Ban Quản lý dự án giao thông 7 cho rằng do việc cấp mỏ khoáng sản cho các nhà thầu còn chậm. Mặt khác, thời gian qua biến động về giá cả vật liệu, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá vật liệu giảm mới thi công. Còn nguyên nhân khách quan là do thời tiết có khi mưa lớn gây ảnh hưởng việc thi công nền, trải nhựa.

Báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây… phải hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31/12/2022, không có trường hợp lùi thời gian.

"Có thể hoàn thành thông xe kỹ thuật năm 2022, còn các chi tiết nhỏ hơn dời sang năm 2023. Các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ làm cho bằng được, mặc dù khó khăn. Bộ đang kiên quyết làm, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không có tình trạng để đơn vị thi công cầm chừng" - thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối tháng 7/2022, tổng khối lượng xây lắp của các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 mới đạt khoảng 45,6% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dự án cao tốc Bắc - Nam được cả người dân và Chính phủ đặt niềm tin và kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Đối với các kiến nghị của các địa phương, đơn vị, Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp ý kiến và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới để xem xét, giải quyết.