Quan tâm, động viên hơn là tước chứng chỉ hành nghề bác sĩ bỏ việc

Trước hiện tượng người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hành Công văn số 7330/BYT-KCB, với nội dung đáng chú ý là: xem xét tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề bác sĩ bỏ việc. 

Tuy nhiên, trước những nỗ lực của đội ngũ y tế trong công tác chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua, phải chiến đấu hết mình để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân trước móng vuốt tử thần, thì nội dung công văn này liệu có hợp lý hay không?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nhân viên y tế khám sàng lọc cho người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh nh họa: Pháp luật TP.HCM


PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ Y tế ban hành Công văn số 7330, với nội dung xem xét tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề bác sĩ bỏ việc? Quy định này liệu có tương thích với những quy định đã ban hành trước đó, có liên quan đến vấn đề này không ?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì chưa có khi nào các bác sĩ, nhân viên y tế lại vất vả như thế này. Cho nên, thay bằng việc đưa ra những cái mang tính chất cảnh báo, mang tính chất chế tài thì nên động viên, tạo điều kiện tốt nhất để cho các y bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ.

Còn trong cái văn bản này thì tôi thấy lại đưa ra cái quy định là, nếu là vi phạm rồi tự ý nghỉ việc thì tước chứng chỉ hành nghề, thì tôi nghĩ rằng cái nội dung này trong văn bản này nó không phù hợp với thời điểm, cũng như là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể là theo quy định của Luật khám chữa bệnh năm 2009 thì các trường hợp tước chứng chỉ hành nghề y dược, trong đó không có quy định về trường hợp tự ý nghỉ việc. Mà theo quy định của bộ Luật Lao động thì nếu mà tự ý nghỉ việc liên tục 5 ngày/tuần, 20 ngày/tháng thì có thể bị sa thải.

Trường hợp bác sĩ vì một lý do nào đó nghỉ việc, tôi nghĩ phải xem xét cụ thể đối với từng trường hợp. Chứ còn chứng chỉ hành nghề, là cái thể hiện trình độ năng lực chuyên môn, mà lại ban hành bằng một cái văn bản như vậy thì tôi nghĩ rằng không hợp lý.

PV: Có quan điểm cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc ban hành công văn với nội dung như vậy có phần không nhân văn đối với y bác sĩ, ông nghĩ sao về quan điểm này ?

Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi cũng đồng tình với quan điểm như vậy. Khi bác sĩ, nhân viên y tế đang vất vả, đang gần như là kiệt sức ở tuyến đầu chống dịch thì những lúc này phải động viên tinh thần cho họ, phải giúp đỡ họ về vật chất. Ví dụ có những bác sĩ mà họ chểnh mảng chẳng hạn, hoặc là họ không nỗ lực nữa chẳng hạn, thì phải tìm hiểu nguyên nhân chứ không phải là tăng chế tài.

Có thể là họ gặp vấn đề nào đó về tâm lý, về sức khỏe, về gia đình. Cái đấy với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, cũng như là bên sử dụng lao động thì cần phải quan tâm đến người lao động, quan tâm đến y bác sĩ. Động viên tinh thần, có thời gian cho họ nghỉ ngơi, có bồi dưỡng họ hợp lý, để các bác sĩ có niềm tin, có sức mạnh, có hứng khởi để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Còn nếu mà đặt nặng câu chuyện về các chế tài, cũng như là gây thêm áp lực cho các bác sĩ nơi tuyến đầu thì tôi nghĩ đó là cái sai lầm. 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.