Quản lý drone

Các thiết bị bay không người lái đang ngày càng chứng minh được sự hữu dụng trong cuộc sống, tuy nhiên, việc quản lý sử dụng loại thiết bị này ở Việt Nam đang được cho là khá ngặt nghèo, hạn chế khả năng ứng dụng hỗ trợ cuộc sống của người dân.

 

20160430-00226-DJI-Phantom4

Ở Việt Nam, chắc hẳn rất nhiều người đã quen với tên của một công ty nổi tiếng đó là DJI, viết tắt của tiếng Trung Quốc là Da-Jiang Innovations - một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất drone dân dụng và hình ảnh hàng không cùng nhiều thiết bị công nghệ khác.

Công ty này được thành lập khoảng năm 2006 bởi Frank Wang (Hoàng Tào) - một thanh niên Trung Quốc người Chiết Giang, anh học tại Đại học Bách Khoa Hong Kong và được ngôi trường này tài trợ cho 2.300 USD thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo thiết bị chụp ảnh trên không (drone).

Sau đó, ngay tại ký túc xá, anh đã lập ra công ty DJI với nhiều thành tựu công nghệ lớn, ví dụ chỉ 8-9 năm sau khi ra đời, năm 2015, chương trình truyền hình “Good Morning America” cảu Đài ABC (Mỹ) đã tài trợ cho DJI thực hiện loạt chương trình phát trực tiếp việc thám hiểm hang Sơn Đoòng từ trong hang động về Mỹ rồi phát trên sóng truyền hình.

DJI hiện cũng là công ty chiếm khoảng 80-90% thị phần drone trên thế giới. Những công nghệ của DJI phát triển không chỉ đóng góp rất nhiều về mặt công nghệ, mà còn giúp cho các phát kiến sau này, ứng dụng sau này của drone ở Trung Quốc từ giao hàng đến những công nghệ có thể sử dụng cho cả các mục đích công nghiệp, quân sự.

Ở Việt Nam chúng ta cũng không còn xa lạ với drone, như ở Đồng bằng sông Cửu Long, drone được sử dụng để phun thuốc trừ sâu, để quan sát hay, đánh giá bản đồ ở vùng sâu, vùng xa hay đặc biệt dùng để giám sát cháy rừng hoặc các nguy cơ tương tự…

Với những ưu thế của drone và công nghệ bay không người lái, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang mong muốn, nỗ lực để phát triển công nghệ này. Drone được coi là một trong những hướng ưu tiên phát triển của nhiều quốc gia và làm thế nào để phát triển được công nghệ drone là một cái ưu tiên của rất nhiều nước trên thế giới.

1-0738

Từ những điều vừa chia sẻ, tôi khá băn khoăn khi đọc Dự thảo Nghị định về quản lý thiết bị bay không người lái vừa được công bố. Có lẽ, chúng ta đang có một cách tiếp cận tương đối khác, đó là chúng ta ít đặt ra câu chuyện làm thế nào để các bạn trẻ, các start-up Việt Nam có thể dễ dàng nghiên cứ, áp dụng và triển khai các sáng kiến, các giải pháp kỹ thuật, các công nghệ drone.

Thứ hai, với các quy định trong Dự thảo Nghị định về quản lý thiết bị bay không người lái, thì kể cả bay để chụp ảnh cũng cần phải xin phép trước, hay việc sử dụng nó cho các mục tiêu nông nghiệp, để phun thuốc trừ sâu, cho lâm nghiệp để giám sát rừng thì cũng phải xin phép, mà thủ tục xin phép không đơn giản, không có những quy định thật sự rõ ràng, đầy đủ để có thể thực hiện một cách nhanh chóng. Nếu mỗi lần bay là một lần xin phép và trong một địa điểm phải bay nhiều lần thì sẽ rất khó khăn.

Với tinh thần, chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Việt Nam, cụ thể đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm đã nói rất nhiều, đặc biệt trong kỷ nguyên, thời kỳ chúng ta mong muốn đẩy nhanh, phát triển các thành quả công nghệ, tôi nghĩ các quy định về pháp luật, đặc biệt là với phát triển các thành quả công nghệ mới, các xu hướng công nghệ mới, có lẽ cần phải có một sự cởi mở hơn các quan điểm trước đây rất nhiều, để không chỉ là quản lý, mà quan trọng là phải phát triển được. Bởi vì có phát triển, chúng ta mới có được những vị thế tốt trong khoa học công nghệ và trong cuộc sống.

Có lẽ, việc đưa ra những quy định về quản lý thiết bị bay không người lái, tôi nghĩ, nên và cần phải được xem xét dưới góc độ như vậy, vì đó là điều cần thiết để chúng ta vừa có thể phát triển được công nghệ, vừa có thể sử dụng tốt những thành quả công nghệ trong cuộc sống hôm nay./.